Bên kia Ðại Tây Dương, thị trấn Coningsby ở Lincolnshire (Anh) đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 40,3 độ C. Các cộng đồng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha cũng đã chống chọi với nhiệt độ cao và tình trạng cháy rừng. Ở cả hai phía của Ðại Tây Dương, nhiệt độ cao gây ra nhiều ca tử vong, khi có ít nhất 13 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Anh (tính đến ngày 20/7); hơn 1.700 người ở bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, tử vong.
Những đợt nóng được cảnh báo sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt các hành động để làm chậm lại tiến trình này. Thời tiết nắng nóng kỷ lục vào mùa hè cho thấy cần phải có hành động quyết liệt đối với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nhiệt độ cao có thể làm tăng phát thải khí nhà kính.
Theo ông Michael Gerrard, Giám đốc Trung tâm Luật biến đổi khí hậu Sabin thuộc Trường Luật Columbia, phần lớn lượng phát thải khí nhà kính đến từ việc tiêu thụ năng lượng, chủ yếu là để tạo ra điện. Nhiệt độ quá cao làm tăng đáng kể nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí, vốn là vật tiêu thụ năng lượng đáng kể. Tình trạng nắng nóng khiến lưới điện ngày càng quá tải.
Chuyên gia Samantha Gross, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến an ninh năng lượng và khí hậu của Viện Brookings cho biết, nhiệt độ quá cao đồng nghĩa với nhu cầu sản xuất điện tăng, trở thành một vấn đề quan ngại do nhu cầu đặc biệt đối với khí đốt để phát điện ở châu Âu tăng vọt trong mùa hè. Tình trạng nắng nóng chưa từng có đang gây khó khăn cho việc bổ sung các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên để chuẩn bị cho mùa đông.
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, đợt nắng nóng cao điểm ở châu Âu trong tuần qua cho thấy sự cần thiết phải có một hành động phối hợp toàn châu lục để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.