Phát biểu ý kiến tại phiên họp này, ông Ghebreyesus cho biết, sau 19 tháng ứng phó với đại dịch và 7 tháng sau khi loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt, thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của một làn sóng lây nhiễm và tử vong mới.
Hơn 3,5 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu và cứ trong 4 người lại có hơn 1 người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
10 quốc gia chiếm tới 75% tổng số vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới. Tại các nước có thu nhập thấp, mới có 1% dân số được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Trong khi đó, hơn 50% dân số của các quốc gia có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
“Một số quốc gia giàu có nhất đang nói về mũi tiêm thứ ba cho người dân nước mình, trong khi nhiều nhân viên y tế, người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương của các nước còn lại trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng”, ông Ghebreyesus nói.
Theo người đứng đầu WHO, đại dịch đang diễn biến theo hai hướng: những nước có đủ vaccine đang mở cửa trở lại, trong khi những nước chưa có đủ vaccine vẫn đang áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Nếu vaccine được phân phối công bằng hơn thì đại dịch có thể đã được kiểm soát. Khi sự lây nhiễm tiếp tục diễn ra, các biến thể mới nguy hiểm hơn biến thể Delta có thể sẽ xuất hiện. “Không ai được an toàn khi tất cả thế giới đều an toàn”, ông Ghebreyesus khẳng định.
Cùng với lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Ghebreyesus kêu gọi thúc đẩy tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu để đạt được mục tiêu: đến tháng 9/2021 ít nhất 10% dân số của tất cả các quốc gia được tiêm chủng, ít nhất 40% dân số được tiêm chủng vào cuối năm nay, 70% dân số được tiêm chủng tính đến giữa năm 2022.
“Nếu có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, chúng ta không chỉ chấm dứt đại dịch mà còn khởi động lại nền kinh tế toàn cầu”, người đứng đầu WHO khẳng định.