WHO đồng ý sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc

NDO -

Ngày 7-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa Covid-19 do Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.

Một lọ vaccine COVID-19 của Sinopharm ở Belgrade, Serbia. Ảnh: AP.
Một lọ vaccine COVID-19 của Sinopharm ở Belgrade, Serbia. Ảnh: AP.

Quyết định này có khả năng mở đường cho hàng triệu liều vacicne đến được các quốc gia đang thiếu vaccine, thông qua chương trình phân phối vaccine COVAX do Liên hợp quốc hỗ trợ triển khai.

Ngày 7-5, trao đổi với các phóng viên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhahom Ghebreysus nói: “Chiều nay, WHO đã đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc. Đây là loại vaccine thứ sáu nhận được chứng nhận của WHO về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng”.

Vaccine Sinopharm đã được WHO cấp phép cùng danh sách với các loại do Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna, AstraZeneca, và một phiên bản của vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất.

Vaccine Sinopharm của Trung Quốc vốn đã được xuất khẩu hàng triệu liều ở một số quốc gia. Và thông báo này dấy lên hy vọng loại vaccine này có thể gia nhập kho “vũ khí” của Liên hợp quốc để chống lại Covid-19 vào thời điểm thiếu nguồn cung cấp vaccine khác do phương Tây sản xuất hoặc phát triển.

Tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý Tổng giám đốc WHO về việc tiếp cận các sản phẩm y tế cho biết: “Việc bổ sung vaccine (Sinopharm) có khả năng giúp tăng tốc nhanh chóng việc tiếp cận vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang tìm cách bảo vệ nhân viên y tế và những người dân có nguy cơ mắc bệnh”.

Giáo sư Arnaud Didierlaurent, giảng viên trường y của Đại học Geneva, người đứng đầu nhóm cố vấn của WHO cho biết, đã yêu cầu Sinopharm bổ sung các nghiên cứu và sẽ có "đánh giá liên tục" về vaccine này.

“Trên thực tế, việc đánh giá vaccine không dừng lại sau khi đưa vào danh sách,” ông nói.

Các cơ quan quản lý y tế ở Liên hiệp châu Âu, Anh và Mỹ đã không xem xét phê duyệt vaccine Sinopharm, loại vaccine “bất hoạt” vốn dựa trên công nghệ vaccine tương đối cũ. Hầu hết các vaccine Covid-19 khác được phê duyệt sử dụng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở phương Tây, được sản xuất bằng công nghệ mới hơn nhằm mục tiêu tấn công protein “tăng đột biến” bao phủ bề mặt của virus SARS-CoV-2.

WHO thường dựa vào những kết luận của các cơ quan quản lý y tế phương Tây khi phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp các loại vaccine. Vì thế, để đi đến quyết định sử dụng vaccine Sinopharm, WHO đã phải thực hiện công việc trong nhiều tháng.

WHO cho biết, đây là loại vaccine đầu tiên có dán một nhãn nhỏ trên lọ, và nó sẽ thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với nhiệt, để báo hiệu cho các nhân viên y tế về việc liệu vaccine có còn sử dụng an toàn hay không.

Trước đây, một nhóm tư vấn riêng cho WHO về vaccine cho biết họ “rất tin tưởng” vaccine Sinopharm bảo vệ nhóm người trong độ tuổi 18-59. Và họ có "mức độ tin tưởng thấp" vào hiệu quả của vaccine đối với những người từ 60 tuổi trở lên.

Sinopharm đã không công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối trên các tạp chí khoa học, vì vậy WHO đã yêu cầu phân tích dữ liệu vaccine từ Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất.

“(Chúng tôi) đã đi đến kết luận rằng vaccine có đủ bằng chứng về độ an toàn và khả năng ngăn ngừa bệnh nặng hoặc các trường hợp có triệu chứng và nhập viện lên đến 79%”, Tiến sĩ Alejandro Cravioto, người đứng đầu nhóm tư vấn của WHO về chủng ngừa cho biết.

Ông cho biết thêm: "Thông tin chúng tôi có về vaccine cho những người trên 60 tuổi vẫn còn rất ít. Nhưng không có lý do gì để nghĩ rằng vaccine sẽ hoạt động khác đi ở nhóm tuổi lớn hơn này”.

Liên minh vaccine Gavi, tổ chức đồng điều hành chương trình COVAX, đã hoan nghênh quyết định này của WHO.

“Điều này có nghĩa là thế giới đã có một công cụ an toàn và hiệu quả khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch,” liên minh cho biết.

COVAX đặt mục tiêu phân phối vaccine miễn phí đến 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và giúp 99 quốc gia và vùng lãnh thổ khác mua vaccine. Chương trình đã phân phối hơn 54 triệu liều vaccine Covid-19 nhưng đối mặt với nguồn cung hạn chế từ các nước phương Tây và Ấn Độ, mặc dù đã thỏa thuận mua 2 tỷ liều vào cuối năm nay.

Trung Quốc hiện có năm loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng, nhưng hai loại vaccine chủ yếu xuất khẩu sang nước ngoài là của hai công ty Sinopharm và Sinovac. Váo tháng trước, Sinopharm cho biết, hơn 100 triệu liều hai loại vaccine của họ đã được sử dụng trên khắp thế giới.

Còn theo WHO, cơ quan này sẽ có quyết định về Sinovac vào tuần tới.

Cuộc đua vaccine Covid-19