Trước đó cùng ngày, WHO công bố báo cáo dài 120 trang của nhóm chuyên gia quốc tế sau chuyến đi thực tế tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) từ ngày 14-1 đến 10-2 vừa qua. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, báo cáo mới được công bố là bước khởi đầu rất quan trọng, nhưng đây không phải là kết luận.
Nhóm chuyên gia đưa ra bốn giả thuyết và đánh giá khả năng xảy ra theo cấp độ từ “rất khó xảy ra” đến “rất có thể”. Cụ thể: virus lây trực tiếp từ động vật sang người (rất có thể), lây qua vật chủ trung gian (có khả năng), lây qua chuỗi thực phẩm/chuỗi cung ứng lạnh (có thể), thoát ra từ phòng thí nghiệm (rất khó xảy ra).
Ông Ghebreyesus cho biết, bản báo cáo đánh giá toàn diện các dữ liệu sẵn có và cho rằng sự lây nhiễm đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 12-2019 và có thể sớm hơn. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện bắt đầu có triệu chứng từ ngày 8-12-2019. Tuy nhiên, để hiểu về những ca bệnh đầu tiên, các nhà khoa học cần được truy cập đầy đủ dữ liệu, trong đó có các mẫu sinh học ít nhất từ tháng 9-2019.
“Khi tôi thảo luận với nhóm chuyên gia, họ chia sẻ những khó khăn gặp phải khi tiếp cận dữ liệu thô. Tôi hy vọng những lần hợp tác nghiên cứu trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn”, ông Ghebreyesus nói.
Ông bày tỏ ủng hộ khuyến nghị của nhóm chuyên gia về việc tiếp tục nghiên cứu để hiểu về các ca bệnh đầu tiên ở người và các cụm lây nhiễm, truy vết động vật được bán tại các khu chợ ở trong và chung quanh Vũ Hán và hiểu rõ hơn về các vật chủ trung gian. Ông lưu ý, hiện chưa rõ vai trò của các chợ bày bán động vật, song nhóm chuyên gia xác nhận có sự lây nhiễm rộng rãi trong chợ hải sản Hoa Nam tại TP Vũ Hán.
Tổng Giám đốc WHO cho rằng, cần có thời gian để tìm ra nguồn gốc của một chủng virus và một chuyến đi thực tế không thể giải đáp mọi câu hỏi. Do đó, thế giới cần tiếp tục nghiên cứu nhiều lĩnh vực và triển khai các chuyến đi thực tế khác để nghiên cứu nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19.