Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, nạn ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Đông Nam Á và Trung Quốc đã tới mức nghiêm trọng.
Theo số liệu của Trung tâm môi trường và sức khỏe của WHO ở Đức, nạn ô nhiễm không khí ở các thành phố Đông Nam Á và Trung Quốc đã gây tử vong cho 500.000 người trong khu vực/ năm. Khói bụi phủ nhiều khu vực ở Đông Nam Á tháng 8 vừa qua đã buộc các trường học và cửa hàng ở Malaysia, Indonesia và Singapore phải đóng cửa và số người phải vào bệnh viện đã tăng cao tới 150% vì bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Các chuyên gia về chất lượng không khí của WHO nhấn mạnh, khí thải công nghiệp, từ các phương tiện giao thông và quá trình đốt cháy các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đốt rừng và khai hoang trong nông nghiệp là các tác nhân thường trực làm cho khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc trở thành khu vực ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới, tác động nặng nề nhất đến trẻ em, người già và người bệnh.
Giám đốc Trung tâm môi trường và sức khỏe của WHO, ông Krzyzanowski nhấn mạnh các nước Đông Nam Á cần thay đổi tập quán sử dụng các phế thải nông nghiệp làm chất đốt và đốt rừng để làm nông nghiệp nhằm loại bỏ dần các tác nhân gây ô nhiễm. Đây là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và các nguồn năng lượng thay thế. Châu Á hiện đang chuẩn bị thành lập Ủy ban liên chính phủ gồm các chuyên gia về môi trường để chống ô nhiễm, nhưng điều quan trọng hơn là phải thay đổi chế độ quản lý đất đai hiện đang là các tác nhân gây ô nhiễm hiện nay và thực hiện chiến lược chống ô nhiễm dài hạn để loại trừ dần các tác nhân gây ô nhiễm khác.