WB hỗ trợ người nghèo Việt Nam tiếp cận dịch vụ pháp lý

NDO - Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã ký một thỏa thuận viện trợ không hoàn lại trị giá 2,5 triệu USD từ Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản để thực hiện một dự án tăng cường trợ giúp pháp lý cho những nhóm đối tượng yếu thế ở các tỉnh miền bắc, tập trung vào 2 tỉnh Điện Biên và Yên Bái.
0:00 / 0:00
0:00
Luật sư tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân. (Ảnh: LÊ HOẢNG)
Luật sư tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân. (Ảnh: LÊ HOẢNG)

Dự án "Việt Nam: Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế" sẽ hỗ trợ các dịch vụ trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực bao gồm luật hình sự (đặc biệt tập trung vào bạo lực giới), luật hôn nhân và gia đình, luật việc làm và lao động. Ước tính có gần 10.000 người, bao gồm người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, nạn nhân của bạo lực giới và người khuyết tật, sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án.

“Những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam có xu hướng ít được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý nhất", Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý có thể ảnh hưởng đến sinh kế, gây ra gánh nặng tài chính và cản trở việc thoát nghèo. Dự án này nhằm xóa bỏ các rào cản tiếp cận trợ giúp pháp lý và bảo đảm người dân có nhu cầu sẽ được sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng cao”.

Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản, sáng kiến đối tác giữa Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới, cung cấp viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ các dự án phát triển dựa vào cộng đồng và xóa đói giảm nghèo nhằm trao quyền cho các nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất mà các chương trình khác không tiếp cận được, đồng thời giúp cải thiện đời sống thông qua trợ cấp trực tiếp.

Hợp phần đầu tiên của dự án kéo dài 4 năm này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận và thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Hợp phần thứ hai sẽ nâng cao năng lực cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý, cung cấp những kỹ năng cần thiết để xử lý các vụ án hình sự, dân sự, gia đình và hành chính, cộng với những kỹ năng giao tiếp cần thiết để làm việc với nhiều nhóm đối tượng.

Hợp phần thứ ba sẽ bao gồm các hoạt động thí điểm nhằm mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và thiết lập hệ thống giám sát để đánh giá chất lượng dịch vụ.

Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan thực hiện.