Kết quả vượt khó mà ba địa phương đạt được trong năm 2021 là tiền đề để phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.
Thu vượt kế hoạch
Năm 2021, tỉnh Nghệ An thu thuế nội địa đạt hơn 17.250 tỷ đồng, bằng 145% dự toán pháp lệnh, bằng 135% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh và bằng 104% so cùng kỳ năm 2020. Kết quả này đã thể hiện nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành thuế. Cộng với thuế xuất, nhập khẩu, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 của Nghệ An đạt gần 19.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết: Ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng chương trình kế hoạch công tác xuyên suốt, đồng bộ trên các lĩnh vực công tác. Trước khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành thuế đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tuyên truyền, giải đáp và tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Cán bộ ngành thuế đã đồng hành, trực tiếp hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp các thủ tục liên quan đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kịp thời ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.
Năm 2021, Cục Thuế Nghệ An đã tiếp nhận và xử lý hơn 3.000 lượt hồ sơ đề nghị giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất với số tiền gần 1.100 tỷ đồng. Góp phần vào thành công trên là nhờ sự đồng hành vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp. Ðơn cử tại tỉnh Nghệ An, có những thời điểm cả 21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều phải thực hiện các Chỉ thị 15, 16 và 16+, nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực "chèo chống" vượt qua đại dịch bằng các phương án duy trì ổn định đời sống người lao động cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch. Ðối với các doanh nghiệp không bị tác động của dịch bệnh vẫn sản xuất, kinh doanh bình thường, hay các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, ngành thuế đã nắm chắc tình hình của doanh nghiệp từng giai đoạn để dự báo số thu sát, đúng, phù hợp tình hình thực tế.
Tương tự, tại tỉnh Hà Tĩnh, các gói hỗ trợ về thuế của Quốc hội và Chính phủ đã "đến tay" hơn 16.000 tổ chức, cá nhân, góp phần "tiếp sức" để người nộp thuế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh Trương Quang Long cho biết, với việc chủ động cập nhật chính sách và kịp thời tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của ngành và cơ quan truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm bắt thông tin, đã có hơn 16.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động được hưởng các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế với số tiền hơn 350 tỷ đồng. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của ngành thuế, những chính sách hỗ trợ đã góp phần "tiếp sức" cho doanh nghiệp, người lao động tăng khả năng chống chọi để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và duy trì tăng trưởng trong và sau dịch bệnh, nhờ đó góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước của tỉnh, đạt hơn 16.910 tỷ đồng, bằng 163,2% dự toán trung ương giao, đạt 138,9% dự toán Hội đồng nhân dân giao và tăng 32% so với năm 2020.
Cục Hải quan Thanh Hóa đã chủ động đồng hành doanh nghiệp vượt khó, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách; quyết liệt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tất cả các tờ khai xuất, nhập khẩu thực hiện trên Hệ thống thông quan điện tử; 243 thủ tục hải quan thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cùng hệ thống phần mềm khác của Tổng cục Hải quan. Thanh Hóa tiếp tục thực thi chính sách khuyến khích, phát triển tuyến vận tải container. Hải quan Nghi Sơn giám sát cơ động đối với hàng hóa tại các cảng biển Nghi Sơn đã tạo điều kiện thông quan nhanh chóng phương tiện và hàng hóa xuất, nhập khẩu đúng quy định, quy trình nghiệp vụ, giải quyết hiệu quả các vướng mắc của doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện thủ tục hải quan. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 của tỉnh đạt 5,34 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6,6 tỷ USD; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt gần 13.000 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thanh Hóa đạt 36.500 tỷ đồng, bằng 137,4% dự toán, tăng 16,3% so cùng kỳ năm 2020.
Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Những tháng cuối năm âm lịch, dòng phương tiện đổ về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) đông hơn so với ngày thường. Trong đó, hầu hết là phương tiện của doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, kinh doanh, hàng tiêu dùng phục vụ thị trường Tết, hoặc xuất khẩu vật liệu xây dựng, nông sản, hoa quả… Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Lê Minh Ðức cho biết: Ðể tạo sự liên hoàn cho hoạt động xuất, nhập cảnh tại "cửa ngõ" sang nước bạn Lào, Thái Lan, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bằng nhiều kinh nghiệm phòng dịch trước đó, các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì đổi lái xe, đổi phương tiện chở hàng ở hai bên cánh gà cửa khẩu. Cán bộ hải quan chia ca kíp làm việc online và trực tiếp để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Riêng những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ luôn duy trì các biện pháp 5K. Nhờ những biện pháp phòng dịch kịp thời, cộng với các chính sách hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn nên đơn vị đã thu hút thêm một số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan qua địa bàn. Kết quả năm 2021, số thu đạt hơn 400 tỷ đồng và là số thu kỷ lục từ khi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được thành lập đến nay.
Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) diễn ra khá sôi động. Trong tổng số gần 7.600 tỷ đồng thu ngân sách nhà nước của Hải quan Hà Tĩnh, số thu tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Vũng Áng chiếm hơn 95% số thu toàn ngành. Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Linh, bên cạnh yếu tố khách quan như: năm 2021, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tăng mạnh sản lượng nhập khẩu một số mặt hàng trọng điểm có thuế như: than, quặng; kim ngạch một số mặt hàng như: nước tăng lực, tinh bột sắn, gỗ xẻ các loại, hàng điện tử cũng tăng… thì những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu của đơn vị đã mang đến hiệu ứng tích cực.
Cục Hải quan Hà Tĩnh đã tăng cường thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, dự án đầu tư lớn để nắm thông tin về hoạt động xuất, nhập khẩu làm cơ sở đánh giá khả năng thu và xây dựng dự toán thu ngân sách sát thực tế. Cục cũng yêu cầu các đơn vị tích cực tuyên truyền, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa tối đa cho doanh nghiệp. Ðồng thời triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và hoạt động đầu tư trên địa bàn như: đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, giảm các loại giấy tờ, thủ tục không cần thiết, làm việc không kể ngày, giờ để kịp thời giải phóng hàng hóa, kho bãi cho doanh nghiệp quay vòng sản xuất...
Với sự đồng hành của các ngành, các cấp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên phương án kinh doanh cũng như lường trước những tác động của dịch bệnh. Theo chia sẻ của ông Vũ Hồng Biên, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia (Thanh Hóa), nhằm giảm chi phí sản xuất, công ty tìm nguồn nguyên, phụ liệu, sản phẩm trong nước thay thế nguồn nhập khẩu; rà soát quy trình, tối ưu hóa công nghệ sản xuất, giảm chi phí không cần thiết. Mặt khác, doanh nghiệp tăng quy mô, sản lượng chăn nuôi công nghiệp gia súc, gia cầm tập trung, bù đắp sản lượng chăn nuôi gia công trong nông hộ giảm; đồng thời, chế biến đa dạng sản phẩm thực phẩm, mở rộng thêm diện tích nhà kho có thể bảo quản 100 tấn thực phẩm cấp đông, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước... Không phải nộp tiền thuê đất, doanh nghiệp tiệm cận chính sách tín dụng, được giảm lãi suất vay từ 7,5% xuống 5,5%, tạo điều kiện duy trì sản xuất, kinh doanh, phấn đấu có lãi. Năm 2021, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, bảo đảm việc làm, thu nhập 7 triệu đồng/tháng cho hơn 300 lao động thường xuyên.