Vượt khó vì học trò vùng biên

NDO -

Nhìn cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, tôi không thể hiểu vì sao cô gái yếu ớt lại có nghị lực kiên cường như thế. Một mình chống chọi với nỗi đau và nỗi buồn do bệnh tật gây ra, suốt tám năm liền kể từ khi biết mình mắc bệnh suy thận, không khi nào cô Tuyết mất niềm tin. Trái lại, cô Tuyết luôn cố gắng vượt qua để dành tình yêu cho học trò nghèo trên biên giới…

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết hướng dẫn ôn luyện học sinh giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết hướng dẫn ôn luyện học sinh giỏi.

Nhớ lại ngày nhận quyết định tiếp nhận, phân công giảng dạy tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Na Cô Sa (Trường Tiểu học Na Cô Sa), cô giáo Tuyết cười hiền và khẽ nói: Thời gian kể cũng nhanh chị ạ, mới đó đã 10 năm em gắn bó với mảnh đất này. Ngày mới vào em cũng quay quắt vì nhớ mẹ, nhớ em, nhớ con đường nhỏ dẫn về xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên và nhớ cả mùi khói chiều đốt rơm đồng. Khi nỗi nhớ nguôi ngoai, dần quen với mảnh đất mới nhiều gian khó và trò nghèo nơi đây thì em phát hiện mình mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính, suy sụp lắm. Với người có điều kiện ở thành phố chữa bệnh đã khó, người công tác ở vùng cao càng khó hơn. “Đã có lúc em nghĩ bỏ cuộc để về quê chữa bệnh, về quê để được chia sẻ bớt nỗi đau…”, cô Tuyết tâm sự.

Nhưng rồi, sau nhiều đêm trăn trở giữa hai dòng suy nghĩ “ở lại hay về”, thì cô đã quyết định ở lại đi tiếp trên con đường mà mình đã lựa chọn. Nhắc đến công việc của giáo viên chủ nhiệm ở vùng cao, Tuyết cho biết, hằng ngày dọn dẹp vệ sinh, lên lớp hai buổi; lo giờ ăn, giấc ngủ cho các em mỗi ngày và cả kèm học tối, hướng dẫn từng học sinh cách vệ sinh cá nhân. Nhiều khi giáo viên kiêm cả người “phán xử” những lúc xảy ra xích mích.

Năm học này cô giáo được Ban Giám hiệu Trường tiểu học Na Cô Sa phân công chủ nhiệm lớp 4 có 27 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Cô giáo Tuyết tâm sự: Học sinh của em đều là người dân tộc H’Mông, hoàn cảnh khó khăn và thói quen sinh hoạt cũng khác. Do vậy, ngoài chương trình kiến thức trên lớp thì em thường dành thời gian dạy thêm các em cách ăn ở hợp vệ sinh, sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng và dạy các em cách trồng rau, chăm sóc cây xanh bảo vệ cảnh quan môi trường. Thường xuyên được dạy bảo, nhắc nhở, học sinh trong lớp dần có ý thức giữ gìn môi trường, hiểu được tầm quan trọng của cây xanh với cuộc sống. Ngoài ra, học sinh còn biết về nhà nói với bố mẹ không phá rừng để bảo vệ môi trường. Cùng với việc được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho công trồng, chăm sóc rừng, giờ đây nhiều phụ huynh là đồng bào dân tộc H’Mông ở xã Na Cô Sa đã hiểu, coi trọng việc chăm sóc, bảo vệ rừng.

Dồn tâm huyết cho công việc, dành trọn tình yêu cho học trò nghèo, suốt 10 năm qua cô giáo Nguyễn Thị Tuyết luôn hoàn thành tốt công việc, được đồng nghiệp quý mến, tin yêu. Năm học vừa qua, cô Tuyết còn được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện; được biểu dương tấm gương giáo viên tiêu biểu vượt khó. Tuy nhiên, niềm vui và động lực lớn lao giúp cô thêm nghị lực vượt qua nỗi đau bệnh tật chính là tình cảm quý mến, tin yêu của học trò nghèo vùng biên.