Hạn chế thấp nhất những nguy cơ tiềm ẩn
Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray có tổng diện tích 56.249 ha nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ở các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Rai, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), Sa Loong, Pờ Y, Đắk Kan (huyện Ngọc Hồi). Nơi đây nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc trưng của vùng khí hậu bắc Tây Nguyên. Mùa khô năm 2020 - 2021, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Lượng mưa thấp hơn mức trung bình cùng kỳ nhiều năm, cùng với đó là nắng nóng gay gắt kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Đồng chí Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray, cho biết: “Với diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp, ranh giới VQG đa số gần với các khu sản xuất và khu định cư của người dân, do đó sức ép tác động vào rừng rất lớn. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị còn mỏng nên công việc quá tải, đa số các trạm Quản lý bảo vệ rừng ở xa, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc còn khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc kết nối khi có tình huống cháy xảy ra trên địa bàn Trạm quản lý; các tuyến đường giao thông (Quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới, tỉnh lộ 674, 675) đi qua vùng lõi VQG, nhiều phương tiện lưu thông, nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện và con người ra vào vùng lõi của rừng”.
Để làm tốt công tác bảo vệ và PCCCR, hạn chế thấp nhất những nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray đã xây dựng phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Làm việc với UBND các xã vùng đệm, các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn vườn quốc gia để thống nhất các hoạt động PCCCR như: phương án ứng cứu khi có sự cố cháy xảy ra trên địa bàn; công tác trực, tuần tra canh gác; công tác tuyên truyền vận động nhân dân; chuẩn bị nhân lực, phương tiện để ứng cứu khi có cháy xảy ra...
Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của VQG Chư Mom Ray còn tổ chức chốt trực, kiểm tra trên các khu vực trọng điểm cháy như: các khu rừng cỏ, lồ ô, tre nứa,… để kịp thời ngăn chặn người vào rừng trái phép, cũng như tránh các nguy cơ khác xâm hại đến rừng. Tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đệm chấp hành các quy định về PCCCR như: dọn đốt nương rẫy theo quy định, đúng giờ, đúng kỹ thuật để không để cháy lan vào rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ, PCCCR với tất cả các hộ dân sản xuất nương rẫy có ranh giới giáp ranh VQG để nâng cao trách nhiệm của người dân. Văn phòng bảo vệ rừng trực chỉ huy 24/24, thường xuyên rà soát diễn biến rừng trên ảnh vệ tinh để kịp thời phát hiện các điểm cháy sớm để kịp thời thông báo các địa bàn biết đế xử lý và tổng hợp thông tin, báo cáo tình hình hàng ngày lên các cấp theo quy định.
Chủ động đối phó với các tình huống cháy rừng
Để tìm hiểu về công tác PCCCR, chúng tôi tham gia cùng Tổ công tác PCCCR của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) thuộc quản lý của VQG Chư Mom Ray trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Những đợt gió rít đặc trưng của cao nguyên phả vào người chúng tôi, hanh, khô không khốc. Đi bộ nhiều giờ đồng hồ, leo lên những con dốc thẳng đứng, xuyên qua những cánh rừng, chúng tôi mới thấy được sự vất vả trong công việc hằng ngày của lực lượng bảo vệ rừng tại đây.
Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn Nguyễn Đức Duy cho biết, hiện Trạm đang quản lý tổng diện tích gần 1.700 ha, gồm 4 tiểu khu 611, 604, 601 và 589. Giao khoán cho 42 hộ dân trên địa bàn 5 thôn thuộc xã Sa Nhơn với tổng diện tích 1.043 ha. Trạm hiện có 4 cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách. Để chủ động PCCCR trong mùa khô năm nay, đơn vị đã xây dựng phương án ngày từ đầu tháng 11 năm ngoái. Trạm lập 2 chốt ở trong rừng tại 2 tiểu khu 589 và 604. Duy trì cán bộ trực ở đây thường xuyên 24/24 để sẵn sàng bảo vệ rừng và ứng phó các tình huống cháy có thể xảy ra. Hàng ngày, lực lượng của Trạm phối hợp với cộng đồng nhận khoán rừng, cán bộ xã Sa Nhơn đi tuần tra, kiểm tra tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để nắm tình hình, ghi chép, cập nhật vào nhật ký công tác và sau đó báo cáo về trong ngày cho Ban Chỉ huy PCCCR theo quy định.
“Ngay khi nắm được thông tin có vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn thì Trạm sẽ triển khai ngay lực lượng chữa cháy tại chỗ, gồm cán bộ Trạm, các hộ thuộc cộng đồng nhận khoán cùng các phương tiện như bình bơm nước đeo vai, rựa, cuốc, xẻng, bàn dập lửa inox, máy cưa... di chuyển đến vị trí cháy rừng để tiến hành các biện pháp dập lửa, bảo vệ rừng; đồng thời báo cáo với lãnh đạo VQG cùng chính quyền xã Sa Nhơn huy động lực lượng hỗ trợ chữa cháy kịp thời”, anh Duy cho biết.
Là hộ dân nhận khoán rừng lâu năm tại thôn Nhơn Khánh, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Đoan đều phối hợp nhịp nhàng với cán bộ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn đi tuần tra, kiểm tra khu vực rừng cộng đồng dân cư mình nhận khoán. Anh Nguyễn Văn Đoan cho biết: “Tổ công tác bảo vệ và PCCCR thường từ 6 đến 7 người, ngày thì đi tuần tra trong rừng, tối phân công ít nhất 2 người ngủ lại trong rừng. Khi có sự cố cháy rừng hay người lạ đến khu vực mình quản lý, tác động đến rừng thì chúng tôi thông tin ngay đến lực lượng chức năng. Để bảo đảm công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi đã phối hợp cùng Trạm Sa Nhơn chọn trọng điểm dễ cháy để dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa. Nhờ công tác tuyên truyền của Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray tốt nên người dân phát nương làm rẫy đúng quy định, không để cháy lan vào rừng”.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về công tác PCCCR trong thời gian tới, đồng chí Đào Xuân Thủy cho biết: Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối công tác bảo vệ cũng như PCCCR nên Tết Nguyên đán sắp tới VQG Chư Mom Ray vẫn bố trí 100% quân số đi tuần tra, kiểm tra trong rừng. Tổ chức chốt chặn tại các khu vực trọng điểm cháy để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người vào rừng trái phép, cũng như xử lý kịp thời các tình huống cháy xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên đi trực tiếp vào nương rẫy để hướng dẫn người dân xử lý dọn đốt nương rẫy và tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết PCCCR. Bộ phận kỹ thuật thường xuyên rà soát, theo dõi ảnh vệ tinh, kịp thời phát hiện sớm nguy cơ cháy trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) để báo cho các địa bàn triển khai xử lý.