KỶ NIỆM 15 NĂM NGÀY ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THỦ ĐÔ (1/8/2008-1/8/2023)

Vững vàng vị thế đầu tàu kinh tế khu vực phía bắc

LTS- Hôm nay, ngày 1/8/2023, tròn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008-1/8/2023). 15 năm không phải là thời gian dài trong lịch sử phát triển của Thủ đô nghìn năm văn hiến, nhưng thành phố Hà Nội đã có chuyển biến vượt bậc trên các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô những năm tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse.

Trang Hà Nội Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc trang chuyên đề về kết quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thành phố Hà Nội sau 15 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.

15 năm mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội trở thành một trong số những Thủ đô có diện tích và dân số lớn trên thế giới. Tận dụng lợi thế này, thành phố đã tăng tốc phát triển theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững, giữ vững vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Trên nền tảng quy mô mới, thành phố đã nỗ lực tăng trưởng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước. Tuy chỉ chiếm 1% về diện tích; 8,1% về số dân, nhưng Hà Nội đóng góp 12,59% về GRDP; 17,07% về thu ngân sách nhà nước; và 4,61% kim ngạch xuất khẩu.

Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh), GRDP tăng bình quân 6,67%/năm.

Riêng giai đoạn 2020-2021, GRDP tăng khá thấp do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng từ năm 2022 đã phục hồi trở lại. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng, gấp 1,45 lần mức trung bình cả nước.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn sau điều chỉnh địa giới hành chính đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP ngày càng cao.

Năm 2010 chiếm tỷ trọng 11,8%; năm 2015 chiếm tỷ trọng 14,38%; năm 2020 chiếm tỷ trọng 15,82%; năm 2022 chiếm 15,95%. Cơ cấu các ngành được điều chỉnh tích cực, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học...

Hằng năm, thành phố thực hiện lựa chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2010, trên địa bàn chỉ có 53 sản phẩm được công nhận, thì đến hết năm 2022, thành phố đã công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt hơn 250.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thật sự là những doanh nghiệp nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô.

Công tác phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được thúc đẩy, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Đến nay, thành phố đã thu hút đầu tư phát triển hạ tầng 101 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 2.100 ha.

Thời điểm năm 2010, trên địa bàn chỉ có bảy cụm công nghiệp được xử lý nước thải tập trung, thì nay đã có 43 cụm công nghiệp đã được xử lý nước thải tập trung.

Thành phố cũng tăng cường hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và các cơ sở công nghiệp nông thôn, góp phần tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện tại Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động.

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn luôn duy trì tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021-2022 tăng 9,3%.

Quy mô giá trị Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 đạt khoảng 698 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt hơn 17 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần năm 2010. Hạ tầng thương mại được quan tâm phát triển. Thời điểm hết năm 2008, trên toàn địa bàn chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, 382 chợ...

Đến nay, thành phố đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 415 máy bán hàng tự động...

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ năm 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2008-2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Cơ cấu thu có sự chuyển dịch tích cực, bền vững.

Tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức 80,5% năm 2008 lên 91,7% vào năm 2023. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hằng năm 11,04%.

Công tác xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng, giáo dục, y tế... Hà Nội đã thu hút mới hơn 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33 tỷ USD.

Ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội đã đóng góp hơn 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội…

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sau 15 năm hợp nhất, kinh tế Thủ đô đã duy trì tăng trưởng khá; bảo đảm các cân đối lớn ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần về chiều sâu; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, hiệu quả đầu tư tăng lên.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ chủ động phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.