Vùng “chảo lửa” căng mình phòng, chống cháy rừng

NDO -

Những ngày đầu tháng sáu khi đợt nắng nóng gay gắt bước vào thời cao điểm cũng là lúc các đơn vị, địa phương ở “chảo lửa” Hà Tĩnh đang căng mình triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống cháy rừng trên diện rộng. Phát huy sức mạnh của toàn dân vẫn là bài học cốt lõi, xuyên suốt được địa phương  thực hiện trong thời gian qua. 

Lãnh đạo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng trong điều kiện nắng nóng gay gắt.
Lãnh đạo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng trong điều kiện nắng nóng gay gắt.

Tổ dân phố 1 thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) là một trong những địa điểm nằm trong khu rừng dễ cháy và có nguy cơ xâm hại cao ở Hà Tĩnh. Điều dễ nhận thấy khi có mặt tại đây chính là sự hiện hữu của nguy cơ cháy rừng. Cùng với đặc điểm nhà dân sống sát với rừng phòng hộ, khu vực này còn có nhiều khu lăng mộ được an táng cạnh rừng nên các hoạt động đốt rác, xử lý thực bì, thắp hương đều dễ xảy ra hoả hoạn.

Với  tiểu khí hậu hết sức khắt nghiệt, về mùa nắng nóng nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 41 - 42 độ C, cộng với sự phức tạp của địa hình, nếu xảy ra cháy rừng rất khó triển khai công tác cứu chữa. Nhận thức được nguy cơ đó, ngay từ đầu năm UBND thị trấn Xuân An đã phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống cháy rừng cho từng khu vực, vị trí.

Theo Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, Phan Văn Lĩnh: Rút kinh nghiệm từ vụ cháy rừng diễn ra trong năm 2019 thiêu trụi hơn 55 ha diện tích rừng thông trên núi Hồng Lĩnh, chúng tôi xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống cháy rừng, nâng cao nhận thức cho người dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm và phải thực hiện thường xuyên. Ngoài việc bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát, vào thời gian cao điểm nắng nóng, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác thông tin, cảnh báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác, phòng ngừa.

Bà Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố 1 (thị trấn Xuân An) chia sẻ, ngoài việc thông tin kịp thời với chính quyền địa phương về tình hình, hiện trạng khu vực rừng thông nơi gia đình đang sinh sống, mỗi khi có người lên núi thắp hương ở khu nghĩa trang quanh núi, bà còn cảnh báo, nhắc nhở người dân về nguy cơ cháy rừng và đề nghị thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ phòng cháy. “Mỗi khi có người lên núi thăm mộ, thắp hương, tôi chuẩn bị sẵn xô nước trước lối vào rừng để họ chủ động dập lửa trước khi xong việc”, bà Hương cho hay.

Đánh giá về các nguy cơ xảy ra tình trạng xâm hại, cháy rừng, Phó Ban Quản lý rừng Hồng Lĩnh, Nguyễn Hải Vân cho biết, rừng phòng hộ Hồng Lĩnh nằm trên địa bàn 19 phường, xã, thị trấn thuộc bốn huyện, thị xã với diện tích 9.684,5 ha, trong đó có rừng 6.703,1 ha (rừng trồng 5.923,1,2 ha, rừng tự nhiên 780,0 ha), loài cây chủ yếu là Thông nhựa và Keo cấp tuổi III đến cấp tuổi VI, thảm thực bì gồm các loài như sim, mua, lấu, ngấy hương, tiến vọt,... Dưới chân núi dân cư bao bọc. Đặc biệt ở đây hoạt động khai thác đá hết sức rầm rộ lại có danh thắng chùa và hồ Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Đại Hùng, chùa Hang, chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên... nên hoạt động du lịch phát triển, lượng người vào rừng phòng hộ ngày càng đông, kể cả những ngày nắng nóng, hoạt động của con người có thể gây ra cháy rừng trong bất kỳ lúc nào.

Địa bàn rừng núi hết sức phức tạp, cao, dốc. Rừng Hồng Lĩnh chủ yếu rừng thông thuần loại, là loài cây dễ cháy lại rụng lá về mùa hè. Đất đai khô cằn trơ sỏi đá, tiểu khí hậu hết sức khắt nghiệt, về mùa nắng nóng nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 41 - 42 độ C, khi xảy ra cháy rừng rất khó cứu chữa.

“Bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, trong cộng đồng dân cư, nhất là trong các hộ nhận khoán, đơn vị luôn quán triệt phương châm bảo vệ rừng tại gốc, phát huy tính tích cực, tự giác của lực lượng bảo vệ rừng trong việc tuần tra, kiểm tra các lâm phần được giao quản lý, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế quản lý, bảo vệ rừng, tình hình sâu bệnh hại rừng. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, nhất là ở các địa phương, đặc biệt là lực lượng tại chỗ trong công tác chữa cháy rừng. Đồng thời, tiến hành tu sửa hơn 167 km đường băng cản lửa, đường chữa cháy, phát dọn thực bì trên diện tích 150 ha… đề cao tính khẩn trương trong quá trình thực thi nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng”, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết thêm.

Tại huyện Thạch Hà, theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện, trong tổng số hơn 8.700 ha diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp thì diện tích trồng cây thông và cây keo chiếm phần lớn. Vì vậy, dưới tiết trời nóng bức. cộng với gió phơn tây nam thổi mạnh, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Ý thức được những mối nguy hại đó, Chi cục Kiểm lâm Thạch Hà đã bố trí lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ với 100% quân số, bảo đảm ứng cứu kịp thời khi có phát lửa, cháy rừng xảy ra. Cùng với đó, lực lượng kiểm kâm đã tham mưu UBND huyện ban hành cơ chế điều động, phối hợp và chỉ huy các lực lượng tham gia chữa cháy rừng phù hợp từ huyện, xã, thôn, xóm, hộ gia đình theo đúng quy định, bảo đảm đúng nguyên tắc bốn tại chỗ trong chữa cháy rừng.

Điểm mới trong công tác phòng, chống cháy rừng năm nay tại Hà Tĩnh là địa phương đã lắp đặt hệ thống camera giám sát lửa rừng tại một số khu vực trọng điểm tại thị xã Kỳ Anh và các huyện: Can Lộc, Kỳ Anh, Hương Sơn. Các “mắt thần” này được kết nối với các thiết bị di động, máy tính đăng ký cấp quyền sử dụng trên hệ thống giám sát. Hệ thống này không cần nhân lực vận hành nhưng sẽ tự động phát hiện các đám cháy rừng và gửi thông tin ngay cho các thiết bị kết nối. Thiết bị này nhằm tăng cường và đồng bộ hóa công tác ứng phó, cảnh báo phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, việc đưa vào vận hành camera giám sát lửa rừng sẽ hỗ trợ lực lượng trực báo cháy rất nhiều, góp phần ngăn chặn kịp thời các đám cháy. Tín hiệu mà camera ghi nhận có hình ảnh khá sắc nét, tầm quan sát rộng gần 10 km và được cập nhật liên tục, sẽ giúp cho lực lượng chuyên trách theo dõi, phòng, chống cháy rừng hiệu quả hơn so với cách thức thông thường.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Võ Trọng Hải cho rằng, Hà Tĩnh  là địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khách quan dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phải luôn chủ động “4 tại chỗ”, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi người dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, khó khăn chủ quan. Cụ thể như: công trình, trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng đã được xây dựng, tu sửa, mua sắm qua các năm nhưng chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao. Chỉ thị 1685/CP quy định “tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất rừng tự nhiên” nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiềm ẩn nguy cơ phát rừng tự nhiên trái pháp luật để trồng rừng, trồng cây ăn quả...

Do vậy, phát huy sức mạnh của toàn dân sẽ bài học then chốt, giữ vai trò trọng yếu trong công tác phòng, chống cháy rừng ở Hà Tĩnh.