Vũ điệu của màu sắc

NDO - Triển lãm “Vũ điệu cuộc sống – Nơi cảm xúc tìm về ” trưng bày tác phẩm của hai họa sĩ Nguyễn Ngọc Vinh và Trần Trọng Đạt vừa khai mạc trong mùa giáng sinh năm nay tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện trưng bày tổng cộng 76 tác phẩm sơn dầu, acrylic, khắc ăn mòn inox, in lụa, litho offset…
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả thưởng thức tranh tại triển lãm.
Khán giả thưởng thức tranh tại triển lãm.

Theo đuổi con đường hội họa từ lâu nhưng mãi đến thời gian gần đây, họa sĩ Trần Trọng Đạt mới có cơ hội trở lại với ước mơ của mình. Trong quãng thời gian dịch bệnh, cuộc sống bị cách ly sau cánh cửa đã thúc đẩy anh quay về thế giới sắc màu. Ngay sau đó, anh cho ra đời hàng loạt tác phẩm cùng những phong cách khác nhau. Cảm xúc dồi dào bấy lâu bị kìm nén như có cơ hội được bộc phát, bung tỏa. Và vì thế, tranh Trần Trọng Đạt mang theo sự phức tạp, đa chiều của nội tâm.

Dù đặt tên “Tĩnh vật” nhưng công chúng cảm nhận những bức tranh theo chủ đề này của anh lại chẳng bao giờ đứng yên. Màu sắc chảy trôi liên tục cuốn qua phiến lá, cành hoa tạo nên một bảng màu rực rỡ lạ thường. Rõ ràng Trần Trọng Đạt có cảm quan riêng về tự nhiên, sự sục sôi trong cảnh vật cũng phản ánh dòng chảy cảm xúc, cho thấy vẻ hạnh phúc của anh trước niềm vui sống.

Vũ điệu của màu sắc ảnh 1
Một số tác phẩm của họa sĩ Trần Trọng Đạt tại triển lãm.

Nhưng tranh Trần Trọng Đạt không phải lúc nào cũng cuộn chảy như thế, nhất là ở những tác phẩm anh vẽ về quê hương với bao hoài niệm. “Nay sống giữa Sài Gòn, mỗi khi trời đất chuyển mùa, chợt thấy lòng mình xốn xang, khắc khoải. Nó thôi thúc tôi đến với thế giới của sắc, hình để chắp thêm đôi cánh rộng, đưa tôi trở về với lối cũ, chốn quê xưa…” - họa sĩ Trần Trọng Đạt bộc bạch.

Nếu gọi bảng màu nóng của Trần Trọng Đạt mang tính dương thì tranh in ăn mòn inox của Nguyễn Ngọc Vinh biểu hiện cho tính âm với gam màu đen-trắng đặc trưng. Dù bận công việc giảng dạy tại ngành đồ họa ở trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhưng họa sĩ Nguyễn Ngọc Vinh vẫn không ngừng dành thời gian khám phá các chất liệu mới.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Vinh trưng bày tác phẩm sử dụng kỹ thuật khắc ăn mòn inox lần đầu tiên trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2016. Để thực hiện kỹ thuật này, họa sĩ phải thực một tổ hợp nhiều phương pháp gồm: kỹ thuật ăn mòn tương tự khắc kẽm nóng, kỹ thuật tách phim chế bản như trong in lụa và in offset, kỹ thuật phủ màu và mài như làm tranh sơn mài.

Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Ngọc Vinh được thể hiện dưới dạng đơn sắc nhưng nội hàm ý nghĩa lại rất phong phú. Một số tranh diễn tả sự phát triển nhanh chóng của đô thị với những tòa nhà cao tầng chọc trời. Ở mặt tích cực, hiện tượng này cho thấy đời sống ngày càng sung túc của người dân thành phố. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, tác giả cũng nhấn mạnh đến những giá trị thiên nhiên, văn hóa đã bị đổ vỡ trước sự xâm lấn này. Dùng đen-trắng để thể hiện các tác phẩm, họa sĩ muốn tạo nên sự cân bằng trong các quan điểm về cuộc sống.

Trong bài nghiên cứu khoa học “Không gian trong tranh khắc kim loại Việt Nam”, thạc sĩ Trầm Thị Trạch Oanh đã nhận xét, Nguyễn Ngọc Vinh là họa sĩ tiên phong trong sử dụng chất liệu inox để sáng tác tranh khắc kim loại với kích thước lớn. Cùng sự am hiểu về công nghệ và tận dụng nguyên lý ăn mòn kim loại tối đa, Ngọc Vinh khai thác không gian đa chiều trong các tác phẩm của họa sĩ. Không gian tiêu biểu tác phẩm “Giai điệu” (2018) như những bản nhạc hòa tấu đầy cung sắc, những hình thể dường như được chuyển động tạo hiệu ứng thị giác độc đáo.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Vinh cho biết, trong thời gian tới anh sẽ đưa thế giới màu sắc đa dạng đến tranh ăn mòn inox. Kỹ thuật này rất khó và đòi hỏi họa sĩ phải làm chủ được đường đi của màu trên bề mặt kim loại gồ ghề.