Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trong số 34 bệnh nhi (24 cháu ở Trung tâm Nhi khoa và 10 cháu ở Trung tâm Chống độc), tình hình bị tổn thương do ngộ độc gồm: 4 cháu có tổn thương não, 9 cháu có nguy cơ co giật trên điện não, 13 cháu trên xét nghiệm có dấu hiệu ảnh hưởng chức năng tim.
Trong ngày 26/1, hai đơn vị cho 23 cháu ra viện và hướng dẫn khám lại. Còn 11 cháu có bất thường trên điện não hoặc bị tổn thương não thì điều trị tiếp và đánh giá lại sớm để xét ra viện.
Trung tâm Nhi Khoa và Trung tâm Chống độc đang phối hợp với chuyên khoa thần kinh để đánh giá kỹ điện não, xem xét điều trị một số cháu có nguy cơ co giật, nếu không có thì cũng có thể ra viện tiếp. Các cháu có tổn thương não, trong ngày 28-29 âm lịch chụp lại MRI não nếu ổn thì cũng có thể chuyển viện hoặc ra viện kèm đơn thuốc và hẹn khám lại.
Chia sẻ trước giờ xuất viện, một phụ huynh bày tỏ sự cảm ơn với những hỗ trợ và tấm lòng các bác sĩ, nhân viên y tế trong suốt thời gian vừa qua: “Khi biết con uống phải thuốc diệt chuột gia đình vô cùng lo lắng, xuống tới Bệnh viện Bạch Mai gặp các bác sĩ mà không cầm được nước mắt. Nay được ra viện, được về đón Tết tại nhà thực sự rất mừng. Các bác sĩ còn dặn dò chu đáo, kỹ lưỡng và hướng dẫn chi tiết việc theo dõi các bất thường của con cũng như việc tái khám”.
Trước đó, chiều tối ngày 22/1, Trung tâm Nhi Khoa và Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 32 bệnh nhi, hầu hết là học sinh từ 1 đến lớp 5 trường Tiểu học Phú Bình, TP Tuyên Quang uống nhầm hoá chất diệt chuột fluoroacetate.
Trong ngày 23/1, Trung tâm Chống độc tiếp tục tiếp nhận thêm 2 bệnh nhi, nâng tổng số bệnh nhi uống “siro đỏ” diệt chuột điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai lên 34 ca bệnh.
Sau khi nhập viện, các bệnh nhi đồng loạt được khẩn trương thăm khám, đánh giá, xét nghiệm, kiểm tra tổn thương do ngộ độc, độc chất trong nước tiểu, chụp cộng hưởng từ với các cháu có chỉ định, siêu âm tim,…
Thậm chí, ngay cả khi các cháu đang tỉnh táo, vẫn chơi, đều được theo dõi sát cũng như điều trị theo phác đồ. Các bác sĩ liên tục rà soát cố gắng không bỏ sót các nguyên nhân chất độc khác.
Người nhà bệnh nhi cùng các cháu chuẩn bị đồ ra viện. |
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, với các đặc điểm ống chất lỏng màu đỏ như vậy, đặc điểm triệu chứng của các cháu và kết quả xét nghiệm độc chất đã có cho thấy đây là vụ ngộ độc hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide.
Ngoài ra, các bác sĩ rất thận trọng theo dõi, đánh giá xem có các chất khác gây ngộ độc đồng thời không vì cháu đầu tiên phát hiện ra túi chứa hóa chất diệt chuột thấy có cả ống màu xanh. Fluoroacetate/fluoroacetamide là hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường ở các dạng: Ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, dung dịch không màu, màu nâu, hoặc gói hạt gạo hồng, tất cả không có nhãn mác hoặc có thì hoàn toàn là chữ Trung Quốc.
Đây là loại hóa chất diệt chuột có độc tính cực cao với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương tim, viêm cơ tim cấp, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ can xi. Trường hợp ngộ độc nặng có thể tổn thương và suy đa tạng.