Theo thống kê, quý I/2023, sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc gặp khó khăn do tác động của lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu truyền thống của một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh bị thu hẹp, lượng hàng tồn kho tăng cao buộc doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 7,98% so cùng kỳ.
Đến ngày 20/3/2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.258 tỷ đồng, bằng 81,2% so cùng kỳ. Tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao chi tiết là 7.901 tỷ đồng, đạt 84,3%. Lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh trong quý I đạt 1.111 tỷ đồng, bằng 14,1% so kế hoạch.
Một góc khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát, có 16 cơ quan có văn bản kiến nghị các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn trình tự thủ tục đầu tư, quyết toán, giao rõ trách nhiệm việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đã triển khai hoặc dự toán công trình được phê duyệt theo quy định tại Thông tư 18 của Bộ Tài chính.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh đề nghị tỉnh kịp thời giải quyết các khó khăn về quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã, thị trấn, các đô thị loại V, quy hoạch sử dụng đất.
Công ty CNCtech (khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc) không ngừng mở rộng sản xuất. |
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đề nghị tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, giá đất; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai; thống nhất danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021-2030 của cấp huyện; sớm trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới; tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải phóng mặt bằng; việc quyết toán các dự án quá hạn; đề nghị quy hoạch vị trí các điểm tập kết vật liệu dư thừa, xác định vị trí đổ thải, đất đắp của các dự án; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng… Các cơ quan và doanh nghiệp kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ nhiều nội dung về sửa đổi luật, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần chủ động đề xuất những giải pháp kịp thời, phù hợp tình hình thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn lại hoạt động của Tổ giúp việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì lịch hằng tuần lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh tăng cường nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp nhằm giúp tỉnh có thêm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn tới.