Vĩnh Phúc nhân rộng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu

Mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai, nhân rộng, với mục tiêu tạo điểm nhấn văn minh, hiện đại, bản sắc ở vùng nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc dự hội nghị bàn về phát triển kinh tế, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu của Chi bộ thôn Ðông, xã Phú Ða, huyện Vĩnh Tường.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc dự hội nghị bàn về phát triển kinh tế, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu của Chi bộ thôn Ðông, xã Phú Ða, huyện Vĩnh Tường.

Để có cơ sở pháp lý đầy đủ triển khai mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngành tập trung xây dựng bộ tiêu chí, hệ thống chính sách hỗ trợ và các quy định, hướng dẫn liên quan. Sau khi xin ý kiến các ngành trong tỉnh, các cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19 ngày 16/3/2023 về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" đến năm 2025, đặt mục tiêu xây dựng 60 làng văn hóa kiểu mẫu đáp ứng các yêu cầu cao hơn rất nhiều so với nông thôn mới kiểu mẫu, cả về quy hoạch, kiến trúc, kinh tế, sản xuất, môi trường và văn hóa.

Ngày 5/5/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 08 thông qua Ðề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Nội dung cốt lõi của các nghị quyết này là 14 tiêu chí để chấm điểm và 16 cơ chế chính sách hỗ trợ có nội dung ưu việt hơn hẳn so với bộ tiêu chí và chính sách về xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh dành 2.610 tỷ đồng để xây dựng 60 làng văn hóa kiểu mẫu - những khu dân cư hiện đại, văn minh, sạch đẹp với các mô hình kinh tế và văn hóa đa dạng. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sẽ nhận được nhiều loại hỗ trợ. Cụ thể là hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi mô hình siêu thị mini mới có diện tích tối thiểu 200m2; hỗ trợ 100 triệu đồng đối với mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích tối thiểu 100m2.

Mỗi mô hình điểm du lịch cộng đồng được tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng nếu có bãi đỗ xe, khu lễ tân, khu vệ sinh công cộng, có tối thiểu hai dịch vụ phục vụ khách trải nghiệm. Mỗi mô hình homestay mới xây dựng sẽ được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng; 300 triệu đồng cho mô hình farmstay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Người được hỗ trợ phải cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký, thời gian phục vụ khách du lịch tối thiểu 60 tháng trở lên kể từ ngày nhận hỗ trợ…

Ban chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc đã phân công nhiệm vụ cho từng ngành, từng tổ chức thực hiện các tiêu chí, chính sách hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phân công nhau đảm nhận các tiêu chí. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các mô hình sản xuất mới; Sở Xây dựng hướng dẫn quy hoạch kiến trúc, cảnh quan; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các mô hình du lịch... Tất cả hệ thống chính trị đều tham gia thực hiện chủ trương quan trọng này.

Các ngành còn phải xây dựng hướng dẫn riêng đối với các tiêu chí liên quan. Thí dụ, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn triển khai các tiêu chí về thông tin và truyền thông. Ðối với Tiêu chí 6.1 về hệ thống loa truyền thanh, các làng phải có hệ thống loa truyền thanh hoạt động thường xuyên và các cụm loa đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đến các hộ dân. Ðối với Tiêu chí 6.2 về mạng wifi công cộng, phải có mạng wifi miễn phí tại nhà văn hóa. Mạng wifi tại nhà văn hóa có đường truyền kết nối internet băng thông rộng tốc độ từ 200 Mbps trở lên.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện các tiêu chí môi trường, vốn là nội dung khó khăn nhất khi xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Người dân được hỗ trợ mua thùng phân loại hoặc xây dựng bể chứa để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ làm phân bón và hỗ trợ chế phẩm xử lý rác thải sinh hoạt. Việc xây dựng bể chứa hoặc hố rác di động để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ làm phân bón phải theo mẫu thiết kế, có tổ chức nghiệm thu ...

Ðể kiểm tra tính khả thi của các chính sách hỗ trợ, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã tổ chức nhiều buổi làm việc với 28 thôn, làng được chọn làm điểm. Nhiều vấn đề nảy sinh như quy hoạch, kiến trúc làng, thu hồi đất, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường được lãnh đạo tỉnh, huyện cho ý kiến giải quyết ngay tại thôn.

Trong hội nghị họp bàn về phát triển kinh tế xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Ðông (xã Phú Ða, huyện Vĩnh Tường), đồng chí Nguyễn Thị Duy, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Nhân dân trong thôn rất phấn khởi khi được chọn làm điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Chi bộ thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, xây dựng nghị quyết chuyên đề về Làng văn hóa kiểu mẫu. Nhiều người dân đăng ký xin tỉnh hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.

Quan điểm nhất quán xuyên suốt là nâng cao chất lượng cuộc sống về thu nhập và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên để triển khai 14 tiêu chí, bảo đảm 16 cơ chế chính sách hỗ trợ đến được với người dân.

Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Hiện nay, các chính sách bắt đầu được triển khai ở tất cả địa phương trong tỉnh. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, 28 làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành, trở thành những làng quê văn minh, hiện đại, bản sắc ở vùng nông thôn Việt Nam.