Vĩnh Phúc đẩy nhanh chuyển đổi số, cải cách hành chính để phát triển kinh tế

NDO -

Ngày 26/5, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo chủ đề: "Cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt trong phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay".

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Vĩnh Phúc luôn nhất quán trong tư duy, tầm nhìn đổi mới, trong đó xác định tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đã tăng mạnh lên vị trí thứ 5 trong cả nước (tăng 24 bậc so năm 2020); chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX 2021) Vĩnh Phúc cũng xếp vị trí thứ 5 toàn quốc. Thu ngân sách liên tục đạt những mốc mới và luôn nằm trong nhóm các địa phương có số thu cao nhất cả nước.

Vĩnh Phúc đẩy nhanh chuyển đổi số -0

PGS, TS Lê Văn Lợi phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa có sự đột phá so với các địa phương trong cùng khu vực; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh chủ yếu là gia công, lắp ráp. Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, nhiều lao động và tiêu tốn năng lượng. Chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Hạ tầng kỹ thuật một số khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Quản lý, sử dụng các nguồn lực chưa thật sự hiệu quả. Chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công, chuẩn bị dự án đầu tư thấp, giải ngân vốn chậm; quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước có lúc, có nơi còn dàn trải, hiệu quả kinh tế không cao… Nhiều tiềm năng cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh chưa được phát huy triệt để, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã phân tích, đánh giá khách quan về những thành tựu cũng như những nút thắt, điểm nghẽn cần tháo gỡ trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. Đề xuất tỉnh Vĩnh Phúc cần sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những cơ chế, chính sách, trọng tâm là đất đai, thủ tục đầu tư; ứng dụng khoa học-công nghệ; cơ chế chính sách xã hội hóa; đào tạo nguồn nhân lực, thu hút và sử dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, đổi mới vì sự nghiệp chung, chuyên gia kỹ thuật cao; tiếp tục rà soát loại bỏ hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền loại bỏ những thủ tục hành chính, những quy định không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư ...

Các đại biểu cũng trao đổi những kinh nghiệm hay, những sáng tạo, đột phá cần vận dụng hoặc nhân rộng trong triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt cho phát triển kinh tế của một số huyện, thành phố tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số thông qua thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; triển khai xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc; thúc đẩy dịch vụ công thiết thực mức độ 3 và 4.

Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện xúc tiến đầu tư đón đầu thời cơ mới mở ra sau đại dịch.