Các đại biểu thương binh dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Các đại biểu thương binh dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Vinh danh những gương mặt có công tiêu biểu

NDO - Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 là dịp đặc biệt để vinh danh, ghi nhận và biểu dương hơn 400 gương mặt tiêu biểu. Họ là những đại diện xuất sắc cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước .

TÔN VINH NHỮNG NGƯỜI CỐNG HIẾN VÌ ĐẤT NƯỚC

Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 diễn ra ngày 23/7 là một trong những hoạt động trọng tâm của dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Chương trình năm nay có sự tham gia của hơn 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, trong chương trình có sự góp mặt của 13 đại biểu lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 36 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

Cùng với đó là hơn 200 thương binh, trong đó có 22 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác.

Vinh danh những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 1

Đại biểu lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024. (Ảnh: HÀ NAM)

Ngoài ra, trong số các đại biểu về dự chương trình tri ân năm nay, có 33 đại biểu dân tộc thiểu số. Họ đến từ nhiều cộng đồng dân tộc như: Ba Na, Chăm, Ê Đê, Hrê, Jrai, Mường, Nùng, Pa Cô, Jrai, Tày, Thái,…

Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 có hơn 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, trong chương trình có sự góp mặt của 13 đại biểu lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 36 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

Hội nghị biểu dương/tri ân người có công tiêu biểu là một trong những hoạt động được tổ chức thường xuyên hằng năm trong hơn 20 năm qua, trừ một số thời điểm bất khả kháng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian gần đây.

Đây cũng là chương trình phối hợp hiệu quả, lâu dài, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một trong những gương mặt đặc biệt tại Hội nghị tri ân năm 2024 là bác Lê Quang A, năm nay tròn 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, đến từ tỉnh Hà Tĩnh. Bác là cán bộ tiền khởi nghĩa, đã có những đóng góp vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám.

Hai Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Điểm và Phạm Thị Đen (thành phố Hà Nội) đều đã gần 100 tuổi. Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thạnh, sinh năm 1932 đến từ Bình Định. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mẹ Thạnh đã mất đi ba người thân yêu, ruột thịt của mình khi cả chồng, con và chị gái của mẹ đều là liệt sĩ.

Đại biểu Rơ Châm Thoi, sinh năm 1950, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, là người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày kiên trung, bất khuất. Vượt lên khó khăn do sức khỏe yếu, vết thương cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời, ông luôn gương mẫu tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, được nhân dân trong thôn làng công nhận là già làng, người có uy tín.

Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng công an nhân dân. 94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, hiện bác Lai là Trưởng Ban Liên lạc công an chi viện miền nam, là cánh chim đầu đàn của lực lượng công an nhân dân Việt Nam.

Nữ anh hùng người dân tộc Tày Lâm Thị Mây, sinh ra và lớn lên tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Dù đang mang trên mình vết thương có tỷ lệ 61%, bà luôn là tấm gương sáng trong cộng đồng.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, là “khắc tinh” với những băng nhóm tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Anh là người trực tiếp tham gia 58 trận đánh vũ trang trong các chuyên án lớn, đối mặt với những băng nhóm ma túy có vũ trang xuyên biên giới. Đồng thời, anh cũng là một người chỉ huy xuất sắc, góp phần quan trọng trong việc giảm rõ rệt tình trạng cướp giật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, bảo vệ an ninh trật tự, đem lại bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Tại hội nghị, có thể gặp mặt Trung tá Nguyễn Chí Thành, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

22 năm qua, anh Thành đã tham gia nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn nguy hiểm, cứu sống nhiều người và tài sản. Đó là quá trình tham gia chữa cháy rừng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) kéo dài 1 tháng; hay tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân rơi xuống hang sâu 220m và 280m thẳng đứng tại Cao Bằng và Hà Giang; tham gia cứu nạn-cứu hộ trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023.

QUAN TÂM ĐẾN ĐỜI SỐNG NGƯỜI CÓ CÔNG

Vinh danh những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng.

Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 500 nghìn thân nhân liệt sĩ, khoảng 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 600 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Trong tháng bảy này - tháng của nhiều hoạt động tri ân những người có công với nước, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công và thân nhân của người có công với cách mạng. Kinh phí tặng quà là gần 420 tỷ đồng.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong 20 năm qua, sau nhiều lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Chính sách này được dư luận xã hội đồng tình, người có công và thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.

Từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bảo đảm, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Đồng thời, đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025. Dự kiến, sẽ có hơn 162 ngàn hộ được thụ hưởng chính sách này, với kinh phí khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với hơn 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. 2.412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang hơn 3,000 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 4.000 công trình ghi công liệt sĩ.

Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sĩ. Hai năm qua, 20 ngàn bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh" đã được điều chỉnh. Đến nay, đã gần như thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định trên cả nước.

Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đã giải quyết được căn bản hơn 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… Điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931. Sau 92 năm, cơ quan chức năng mới tìm được dữ liệu và công nhận liệt sĩ cho cụ.

CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN ĐỂ XÁC ĐỊNH DANH TÍNH HÀI CỐT LIỆT SĨ CÒN THIẾU THÔNG TIN

Sau gần 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chiến tranh đã đi qua nhưng vẫn để lại biết bao nỗi đau thương với liệt sĩ và thân nhân của họ. Trong thực tế, vẫn còn gần 200 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Bởi thế, những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi đầy day dứt.

Vinh danh những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Ngân hàng gien (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) đã được triển khai, thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả cho thấy, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để thông tin cho thân nhân liệt sĩ.

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị, đã lưu trữ được số liệu của trên 25 ngàn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. Nhờ đó, Ngân hàng gien (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ cũng chính thức ra mắt.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong ngân hàng gien này sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng. Những người thực hiện phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép kéo dài hơn nữa. Song, đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Việc thực hiện phải làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Công tác kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.

back to top