GS Hoàng Châu Ký nguyên là Bí thư Ðảng đoàn, Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông cũng là Viện trưởng Sân khấu và Hiệu trưởng đầu tiên của Trường nghệ thuật Sân khấu dân tộc (nay là Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội).
Giáo sư Hoàng Châu Ký là cán bộ lão thành cách mạng và là một nhà nghiên cứu tuồng hàng đầu được cả nước biết tên. Ông là người đầu tiên cho ra đời "Sơ thảo lịch sử tuồng" và thành lập Ban Nghiên cứu tuồng, một trong những bộ phận nghiên cứu hình thành Viện Sân khấu sau này. Ông sinh năm 1920, ở TP Hội An (Quảng Nam) tham gia cách mạng trước năm 1945, từng bị thực dân Pháp bắt bỏ tù cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia công tác đảng, làm Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, và rất nhiệt tình với công tác văn hóa, văn nghệ. Ông biết hát tuồng và sáng tác tuồng nên sau này chuyển hẳn sang làm công tác văn nghệ chuyên nghiệp. Ông có công tập hợp các nghệ nhân tuồng trong tỉnh, lập nên đoàn tuồng kháng chiến, tiền thân của Ðoàn tuồng Liên khu 5 sau này (nay là Nhà hát tuồng Ðào Tấn).
GS Hoàng Châu Ký còn là thành viên Hội Văn nghệ Liên khu 5 từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp... Tập kết ra bắc, ông viết nhiều tiểu luận có giá trị về sân khấu dân tộc như nghệ thuật biểu diễn tuồng, nghệ thuật tuồng cung đình Huế, nhiều kịch bản tuồng cổ nổi tiếng. Hoàng Châu Ký đã sáng tác nhiều vở tuồng, và tham gia đạo diễn tuồng lịch sử qua các vở Thanh gươm chủ chiến, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Quang Trung... Ông còn là cố vấn của Chương trình Từ điển hát bội, do giáo sư Nguyễn Lộc chủ biên.
GS Hoàng Châu Ký là một nhà nghiên cứu năng động, không bao giờ chịu ngồi trong "tháp ngà" để viết. Ngoài việc đi sưu tầm, phát hiện những di sản tuồng, ông quan tâm đến việc giảng dạy, tuyên truyền cho nghệ thuật tuồng. Mặc dù giọng hát chưa hay, nhưng nhờ có khả năng diễn và tri thức nghệ thuật phong phú, trong những cuộc nói chuyện hoặc giảng dạy, ông tự biểu diễn minh họa sinh động, nên được công chúng, nhất là trí thức và học sinh say mê, thích thú. GS Hoàng Châu Ký luôn luôn gắn lý luận với thực tiễn, để phục vụ cho nghiên cứu, ông còn vận động tổ chức thành lập Ðoàn tuồng thể nghiệm và Bảo tàng Sân khấu nằm trong Viện Sân khấu.
Dù sống ở đâu, ở cương vị nào, GS Hoàng Châu Ký vẫn nặng lòng với quê hương Quảng Nam. Ông là người đề xuất và nghiên cứu công phu về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh và tuồng xứ Quảng, tổ chức đưa các nghệ sĩ tuồng Quảng Nam - Ðà Nẵng ra Hà Nội biểu diễn phục vụ cho nghiên cứu và quay phim tư liệu.
GS Hoàng Châu Ký đã góp phần giới thiệu các di sản tuồng nổi tiếng mà lâu nay giới văn học và nhà xuất bản ít lưu ý. Trong các công trình nghiên cứu lý luận về tuồng lâu nay, các vở tuồng cổ nổi tiếng mới được trích dẫn sơ sài. Do đó, việc hệ thống hóa kịch bản tuồng cổ mà GS Hoàng Châu Ký đã làm là rất có ý nghĩa, bởi nhờ đó các thế hệ nghiên cứu sau mới có cơ sở tiếp nối, các nhà hát mới có cơ sở phục hồi vốn cổ. Cùng với việc sưu tầm, giới thiệu tuồng cổ, GS Hoàng Châu Ký còn cải biên, chỉnh lý một số vở có giá trị như: Ngọn lửa Hồng Sơn, Nghêu Sò Ốc Hến, Ngoại tổ dâng đầu, Ðông Lộ Lịch...
Ba lĩnh vực mà GS Hoàng Châu Ký quan tâm là nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn tuồng. Ðây là những điều cần thiết cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật tuồng. Ông cũng là người có sáng kiến phục hồi nghệ thuật tuồng bắc từ năm 1959, nay là Nhà hát tuồng Trung ương.
Với cương vị là Hiệu trưởng Trường ca kịch dân tộc Việt Nam, ông đã tập hợp được rất nhiều nghệ sĩ bậc thầy đào tạo các bộ môn tuồng, chèo, cải lương... để từ đây tỏa khắp đất nước làm nòng cốt cho nhiều đoàn nghệ thuật dân tộc...
Sau khi thôi làm Viện trưởng Viện Sân khấu, vì tuổi cao, GS Hoàng Châu Ký trở về thành phố quê hương Ðà Nẵng và đóng góp cho sự nghiệp phục hồi và phát triển nghệ thuật tuồng đất Quảng. Ông còn mở rộng diện hoạt động đến những địa phương xa như Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh. GS luôn được đón chào với tất cả tấm lòng mến yêu, kính trọng dành cho một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết với nghệ thuật dân tộc.
Ông được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Ðộc lập hạng nhì; Huy hiệu 60 năm tuổi đảng và Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. GS Hoàng Châu Ký ra đi nhưng những công trình nghiên cứu và các tác phẩm nghệ thuật của ông sẽ còn mãi với thời gian.