Quyền lợi các cổ đông: luôn được bảo đảm
Điều hành phần thảo luận, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết: Đoàn Chủ tịch đã nhận được tám phiếu câu hỏi, ít hơn so với năm trước. Đây là tín hiệu tốt cho thấy có sự đồng thuận cao của các cổ đông khi luôn có nhiều các ý kiến đóng góp để Vinaconex trở thành DN xây dựng, phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam. Theo Chủ tịch Đào Ngọc Thanh, trách nhiệm của Hội đồng quản trị (HĐQT) là làm theo luật định trong công tác quản trị doanh nghiệp. Tất cả mọi quyết định được đưa ra đều được triển khai theo đúng trình tự pháp luật, công khai, minh bạch.
Liên quan đến những băn khoăn về việc bảo đảm quyền lợi và vai trò của nhóm cổ đông lớn như Cường Vũ và Star Invest, Chủ tịch HĐQT Vinaconex thẳng thắn: "Chúng tôi khẳng định Vinaconex luôn bảo đảm quyền lợi cho tất cả cổ đông, kể cả cổ đông lớn và cổ đông nhỏ. Quyền lợi đầu tư là quyền lợi được nhận cổ tức. Các quyền lợi khác sẽ được bảo đảm theo tỷ lệ % sở hữu và thống nhất với quy định của pháp luật".
Theo người đứng đầu Vinaconex, việc cổ đông có những quan điểm chưa đồng thuận là điều rất bình thường. Quan trọng, tất cả vẫn đoàn kết và đưa Tổng công ty đi đến kết quả sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra. "Những yêu cầu của các cổ đông lớn sẽ luôn luôn được bảo đảm yêu cầu theo luật định", ông Thanh nhấn mạnh.
Không còn gay gắt như tại ĐHĐCĐ năm 2019, tại ĐHĐCĐ 2020, điểm nóng Bắc An Khánh đã dịu lại khi HĐQT trình hai phương án tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh. Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cũng nhắc lại đặc thù của dự án này với tỷ lệ góp vốn 50/50, một bên là Vinaconex và một bên là Công ty địa ốc Phú Long. Do đó, để quyết định vấn đề gì phải đạt được sự thống nhất của tất cả các bên. Chủ tịch Vinaconex cũng không ngần ngại khẳng định: "Sự kéo dài lâu nay không có lợi cho các bên. Vinaconex đã đầu tư rất nhiều tiền vào dự án mà chưa thu được gì. Chi phí lãi vay tại công ty cũng rất lớn và các cổ đông của công ty sẽ phải chịu, trong đó có Vinaconex".
Theo Chủ tịch Đào Ngọc Thanh, HĐQT đã quyết định việc chuyển nhượng theo hai phương án. Phương án 1: chuyển nhượng cho chính đối tác còn lại tại liên doanh. Phương án 2: trường hợp đối tác còn lại tại liên doanh không đồng ý, HĐQT sẽ chuyển nhượng cho đối tác khác để tham gia dự án. Vinaconex với năng lực của mình cũng sẵn sàng mua lại phần vốn của đối tác để có thể chủ động triển khai dự án. Vấn đề còn lại là việc thống nhất được mức giá bán hợp lý. "Việc này muốn làm dứt điểm trong năm 2020, để năm nay có cái Tết sung túc", ông Thanh cho biết thêm.
Minh bạch dòng tiền
Theo báo cáo tài chính, doanh thu hợp nhất năm 2019 của Vinaconex bằng 98% kế hoạch năm 2019 và thực hiện năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn tăng tương ứng 6% và 23% (đạt 787 tỷ đồng). Riêng đối với công ty mẹ, doanh thu tăng 13% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 727 tỷ đồng, tăng tương ứng 12% kế hoạch và 24% so với năm 2018.
Trả lời vấn đề "dòng tiền âm" được cổ đông nêu ra thậm chí đồng loạt được một số trang tin điện tử, tạp chí bất ngờ "xoáy" vào trước khi diễn ra ĐHĐCĐ chỉ vài ngày, người đứng đầu Vinaconex đã thẳng thắn: "Dòng tiền hay bất kỳ vấn đề gì về tài chính, tất cả đều được thể hiện trên con số trong báo cáo tài chính một cách đầy đủ, chính xác. Các số liệu này đã được kiểm toán bởi Deloitte, là một công ty kiểm toán Big 4 (lớn và uy tín nhất trên thế giới) và đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định được tính chính xác và hợp pháp của báo cáo tài chính".
Dòng tiền âm có đáng lo ngại không? Theo Chủ tịch Đào Ngọc Thanh, dòng tiền cần có thời gian để trở lại, hoàn vốn. Vinaconex là Tổng công ty có lượng vốn bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh rất tốt. Lợi nhuận mang lại từ hoạt động cho vay rất hiệu quả. "Trong năm 2019, chúng ta đã thực hiện một loạt các dự án đầu tư mà chưa mang lại hiệu quả ngay trong năm 2019. Thí dụ: dự án Phú Yên, khu khách sạn, resort tại Quảng Nam... Chưa kể chúng ta còn đầu tư một loạt các dự án bất động sản tại khu vực Quảng Ninh. Do đó, chúng ta cần phải bỏ ra một lượng tiền mặt để triển khai, đánh giá, thuê tư vấn,... để triển khai dự án", Chủ tịch Vinaconex làm sáng tỏ.
Vinaconex cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư thêm vào các dự án đầu tư mới. Hơn thế, cái tên Vinaconex đã lọt qua vòng sơ tuyển năm đoạn BOT cao tốc bắc - nam. HĐQT Vinaconex cũng hy vọng có thể tham gia vào các dự án hàng không, sân bay chuẩn bị được đầu tư trên cả nước. Do đó, dòng tiền âm này là hoàn toàn minh bạch.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Vinaconex, các chỉ tiêu lợi nhuận đã được hoàn thành theo kế hoạch và có sự tăng trưởng cao so với năm 2018. Điều quan trọng hơn, Vinaconex thực hiện đúng các cam kết khi nhóm cổ đông lớn tiếp quản vốn từ Nhà nước và đang có những bước đi đúng hướng để trở thành tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam. Các trụ cột trong hoạt động của Vinaconex là xây dựng - bất động sản - đầu tư tài chính, đều mang đến những kết quả khả quan.
Trong năm đầu tiên được tiếp quản và điều hành bởi nhóm cổ đông mới, Vinaconex tăng trưởng 23,5% lợi nhuận. Vinaconex cũng là doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu ổn định, thậm chí tăng so với trước dịch Covid-19, hiện tại, cổ phiếu VCG đang được giao dịch quanh mức 26,2 nghìn đồng/cổ phiếu, nhỉnh hơn so với mức 25 nghìn đồng/cổ phiếu vào thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Qua ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, cơ hội tăng vốn được cổ đông tạo điều kiện để Vinaconex nắm bắt, với 70,4% tỷ lệ tán thành phương án tăng vốn điều lệ. Việc còn lại là triển khai, hướng đến tăng vốn thành công, nhưng quan trọng hơn nữa là phải bảo đảm được lợi ích cổ đông qua sử dụng vốn một cách hiệu quả.