Vinachem đạt doanh thu hơn 29,5 nghìn tỷ đồng

NDO - Những tháng qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các đơn vị thành viên phải đối diện với nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng giảm mạnh, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán diễn ra ở nhiều nơi đã gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống đã giúp đơn vị đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất Ure tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Sản xuất Ure tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Ngày 9/7, Lãnh đạo Vinachem cho biết, trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của đơn vị ước đạt 27.136 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, tăng 13% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đạt 15.882 tỷ đồng, tăng 17%; Apatit đạt 1.803 tỷ đồng, tăng 21%; cao su đạt 4.612 tỷ đồng, tăng 7%; điện hóa (pin, ắc-quy) đạt 1.570 tỷ đồng, tăng 8%; chất giặt rửa đạt 1.480 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ năm 2023,…

Tổng doanh thu ước đạt 29.595 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, tăng 10% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đạt 17.422 tỷ đồng, tăng 16%; sản phẩm apatit đạt 1.856 tỷ đồng, tăng 7%; cao su đạt 4.964 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; điện hóa (pin, ắc-quy) đạt 1.905 tỷ đồng, tăng 5%; hóa chất cơ bản, khí công nghiệp đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 5%; chất giặt rửa ước đạt 1.560 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm 2023.

Vinachem đạt doanh thu hơn 29,5 nghìn tỷ đồng ảnh 2

Sản xuất DAP tại Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem.

Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn đạt 815 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Công ty cổ phần DAP-Vinachem bằng 46 lần, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền bằng 5 lần, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ bằng 4 lần,… Nộp ngân sách ước đạt 561 tỷ đồng bằng 31% so với kế hoạch năm 2024. Lao động gần 18.000 người, thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp thành viên bố trí đủ việc làm cho người lao động.

Cũng trong 6 tháng qua, Vinachem đã sản xuất 1,9 triệu tấn phân bón các loại; 1,9 triệu lốp ô-tô; hơn 2,4 triệu lốp xe máy; 170 nghìn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hóa chất phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội. Một số sản phẩm tăng so cùng kỳ như phân đạm Ure tăng 22%, phân lân chế biến tăng 33%, DAP tăng 24%, NPK tăng 24%, quặng Apatit tăng 16%, Xút tăng 33%, Axit sunfuric tăng 12%, Axit clorua tăng 16%, lốp ô-tô các loại tăng 24%, chất giặt rửa tăng 8%, Clo lỏng tăng 26%, phốt pho vàng tăng 43%,...

Xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 362,7 triệu USD, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 254,2 triệu USD, bằng 109%; giá trị nhập khẩu đạt 108,5 triệu USD, bằng 118% so cùng kỳ năm 2023.

Phó Tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Hữu Tú cho biết thêm, thời gian qua, Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi cầu tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài sụt giảm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán diễn ra ở nhiều nơi đã gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với sự nỗ lực của Lãnh đạo Tập đoàn và tập thể người lao động toàn hệ thống đã giúp đơn vị đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch đề ra; qua đó đáp ứng cao nhất các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Vinachem đạt doanh thu hơn 29,5 nghìn tỷ đồng ảnh 4

Sản xuất Ure tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc.

Theo dự báo, nguồn cung có xu hướng tiếp tục tăng, trong khi nhu cầu chưa được cải thiện, giá cả hàng hoá chưa có dấu hiệu tăng mạnh trở lại sẽ là những thách thức đối với doanh nghiệp những tháng cuối năm. Muốn hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đạt 52.554 tỷ đồng, doanh thu đạt 56.556 tỷ đồng, lợi nhuận cộng hợp đạt 1.911 tỷ đồng, Tập đoàn sẽ tập trung điều hành, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nắm bắt chặt chẽ diễn biến của thị trường để chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp, liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị phương án sản phẩm mới.

“Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực và giải pháp tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó bố trí các nguồn lực hợp lý, hiệu quả; chủ động xây dựng, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về quản trị mua vật tư nguyên liệu, sản xuất, bán hàng, chi phí tài chính; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong sản xuất, chống lãng phí, tiết giảm chi phí, giảm định mức tiêu hao, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh,… qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển", ông Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh.