Vinachem và nỗ lực trở lại vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp nhà nước

NDO -

Là một trong những doanh nghiệp nặng gánh nợ nần trong số 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2018, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp, tận dụng mọi cơ hội thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, dần trở lại “đường đua” phát triển của một doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu. 

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Vinachem.
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Vinachem.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Vinachem về vấn đề này.

Chủ động sản xuất, sẵn sàng đáp ứng thị trường

Phóng viên: Trong số những doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả kinh doanh vượt trội năm 2022 có sự góp mặt của Vinachem. Thành công này có gây áp lực đối với hiệu quả sản xuất của năm nay, thưa ông?

Ông Phùng Quang Hiệp: Năm 2022, tuy chịu ảnh hưởng lớn về các yếu tố bất lợi như dịch bệnh và tình hình bất ổn của thị trường nhưng Tập đoàn đã có kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay: Doanh thu đạt hơn 62,2 nghìn tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2021; lợi nhuận đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

Trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 (Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương) lãi hợp nhất 2.631 tỷ đồng, tăng hiệu quả 2.808 tỷ đồng; các đơn vị không thuộc Đề án 1468 lãi hợp nhất 3.392 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.

Để đạt được thành công nói trên có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các ban, bộ, ngành đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động trong toàn Tập đoàn.

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả đó là cơ sở để Vinachem tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2023: Phấn đấu doanh thu đạt hơn 57,1 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 54,5 nghìn tỷ đồng; bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động Tập đoàn.

Phóng viên: Nền kinh tế đang ở trong thời điểm rất khó khăn do tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới cũng như những vấn đề của tình hình trong nước. Điều này tác động ra sao đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị trong những tháng đầu năm, thưa ông?

Ông Phùng Quang Hiệp: Trong 7 tháng qua, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế thế giới. Đó là Trung Quốc mở cửa toàn diện trở lại, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng phân bón, hóa chất đã tạo áp lực cạnh tranh lên các mặt hàng của Việt Nam vì Trung Quốc có lợi thế sản xuất quy mô lớn.

Bên cạnh đó, những bất cập trong chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm phân bón sản xuất trong nước vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, tăng giá vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, việc không gia hạn áp dụng thuế tự vệ đối với phân bón DAP tiếp tục tạo ra sự cạnh tranh và gây bất lợi cho các đơn vị sản xuất phân bón trong nước so với phân bón nhập khẩu. Nguyên liệu đầu vào cũng là yếu tố gây khó khăn cho các đơn vị thuộc Tập đoàn, do vẫn còn tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại than cho sản xuất phân bón với giá chưa được điều chỉnh giảm ở mức phù hợp.

Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nhưng trong bảy tháng qua, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, với doanh thu ước đạt 31,7 nghìn tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 28,3 nghìn tỷ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận cơ bản đang bám sát mục tiêu đề ra.

Nỗ lực tái cơ cấu

Phóng viên: Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là việc xử lý các dự án yếu kém ngành Công thương. Trong số này, Vinachem quản lý, vận hành 4 dự án, đến nay, tình trạng của các dự án này ra sao, thưa ông?

Ông Phùng Quang Hiệp: Trong số 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ ngành Công thương, Vinachem quản lý 4 dự án, gồm Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP - Vinachem; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.

Đến nay, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP - Vinachem đã “hồi sinh”, được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương từ tháng 10/2021.

3 dự án còn lại duy trì hoạt động sản xuất ổn định, dây chuyền vận hành an toàn, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, các dự án này đã bước đầu có lãi.

Đặc biệt trong năm 2022, cả 3 dự án lãi 2.800 tỷ đồng trong đó Đạm Hà Bắc có lãi gần 1.800 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình lãi khoảng 1.000 tỷ đồng, DAP số 2 - Vinachem lãi khoảng 4 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương các biện pháp cơ cấu lại tài chính 3 dự án Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 – Vinachem. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành có liên quan triển khai tổ chức thực hiện chủ trương đã được Bộ Chính trị thông qua.

Tập đoàn rất tích cực, khẩn trương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ Tài chính, các ngân hàng có liên quan triển khai cơ cấu lại khoản vay dự án, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để sớm đưa 3 dự án này ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương.

Những bất cập trong chính sách thuế hiện hành đang khiến mặt hàng phân bón sản xuất trong nước mất sức cạnh tranh trước phân bón nhập khẩu.

Nguyên nhân vì từ năm 2015, mặt hàng phân bón chuyển từ đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Vì vậy, toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón của các doanh nghiệp không được khấu trừ, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng lên, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thuế xuất khẩu phân bón theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (phân urê, phân lân chịu thuế xuất khẩu 5%). Trong khi đó, sản phẩm phân bón nhập khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào; được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu phân bón 0% và không phải chịu thuế ở khâu nhập khẩu nên có lợi thế rất lớn.

Từ năm 2015 đến 2022, tổng chi phí thuế GTGT không được khấu trừ của 9 đơn vị sản xuất phân bón lớn của Vinachem lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô, sản lượng sản xuất.

Để tạo sự bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu, Vinachem đã kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 5%. Đây là một trong những vấn đề quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Vinachem và các doanh nghiệp ngành hoá chất trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên: Vậy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp tiếp tục được Tập đoàn và các đơn vị thành viên triển khai, thực hiện ra sao nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thưa ông?

Ông Phùng Quang Hiệp: Công tác tái cơ cấu của Tập đoàn tiếp tục được triển khai đồng bộ tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.

Đối với công tác thoái vốn đã đem lại giá trị thu được 3.206 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 2.948 tỷ đồng. Nguồn lực này góp phần giúp Tập đoàn cơ cấu lại tài chính công ty mẹ và tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, hợp lý hóa quy trình sản xuất trong toàn Tập đoàn từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên cũng được quyết liệt triển khai nhằm mang lại hiệu quả tối ưu.

Thông qua kết quả công tác tái cơ cấu, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung phát triển ngành công nghiệp nền tảng như phân bón, hóa chất cơ bản, công nghiệp cao su (săm, lốp, cao su kỹ thuật), điện hóa (sản xuất pin, ắc quy);

Bình quân hằng năm, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sản xuất và cung ứng cho thị trường gần 4 triệu tấn phân bón các loại (đạm, DAP, lân nung chảy, supe lân và NPK tổng hợp), đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong nước, góp phần bảo đảm an toàn và an ninh lương thực quốc gia.

Vinachem đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 và sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên kịp thời, quyết liệt triển khai Đề án ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu nhằm phát triển Vinachem trở thành Tập đoàn công nghiệp có trình độ tiên tiến, quản lý hiện đại, chuyên môn hoá cao, làm nòng cốt để ngành công nghiệp hoá chất phát triển nhanh, bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!