Theo đó, hành khách A.Y (18 tuổi, quốc tịch Đức) gặp vấn đề về sức khỏe, phi hành đoàn đã kêu gọi sự hỗ trợ của một bác sĩ tình nguyện (quốc tịch Đức) cùng một y tá tình nguyện (quốc tịch Đức, gốc Việt) trên chuyến bay và tiến hành các thao tác cấp cứu nhưng tình trạng sức khỏe hành khách không được cải thiện.
Ngay lập tức, phi hành đoàn đã thông báo, trao đổi trực tiếp với trực ban Điều hành khai thác của Vietnam Airlines và quyết định hạ cánh xuống sân bay gần nhất là Baku Heydar Aliyev (Azerbaijan) lúc 0 giờ 15 phút ngày 7/10 (giờ Việt Nam).
Vietnam Airlines đã nhanh chóng liên hệ và phối hợp chặt chẽ với bộ phận Dịch vụ mặt đất của sân bay Baku Heyda Aliyev – một sân bay Hãng chưa từng khai thác thường lệ để hỗ trợ hành khách làm thủ tục nhập cảnh, xin visa và chuyển hành khách đi cấp cứu kịp thời.
Hãng cũng trao đổi với sân bay Baku Heyda Aliyev cử nhân viên đi cùng hành khách đến bệnh viện, theo dõi và cập nhật tình hình sức khỏe hành khách; thông báo với đại sứ quán Đức tại Azerbaijan để hỗ trợ hành khách. Đồng thời, Chi nhánh Vietnam Airlines tại Đức đã thông báo tình trạng sức khỏe của hành khách với thân nhân hành khách tại Đức.
Sau đó, chuyến bay VN30 đã tiếp tục cất cánh từ sân bay Baku Heyda Aliyev đi Thành phố Hồ Chí Minh lúc 3 giờ 38 phút ngày 7/10 (giờ Việt Nam). Vì lý do hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu hành khách nên chuyến bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ 45 phút ngày 7/10, chậm 3 tiếng 50 phút so với kế hoạch.
Vietnam Airlines xin cáo lỗi hành khách bị ảnh hưởng và xin cảm ơn sự thấu hiểu, chia sẻ của các hành khách với sự chậm trễ này.
Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines quyết định thay đổi kế hoạch khai thác chuyến bay vì lý do sức khỏe của hành khách. Trước đó, Hãng cũng đã tiến hành hoãn chuyến bay hoặc hạ cánh khẩn cấp nhiều lần đối với các trường hợp hành khách gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, cần sự trợ giúp kịp thời.
Năm 2019, Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu một hành khách trẻ em (2 tuổi) quốc tịch Nhật Bản bị sốt cao, co giật và hô hấp khó khăn trong tình trạng hôn mê trên chuyến bay VN337 hành trình Osaka (Nhật Bản) – Đà Nẵng. Để đảm bảo tính mạng của cháu bé, phi hành đoàn đã quyết định hạ tại sân bay Đào Viên (Đài Loan).
Cũng trong năm 2019, Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu một hành khách quốc tịch Việt Nam gặp tình trạng đau bụng bất thường kèm xuất huyết trên chuyến bay VN63 hành trình Hà Nội – Moscow (Nga). Tổ bay đã quyết định hạ cánh khẩn cấp tại sân bay New Delhi (Ấn Độ) để kiểm tra tình trạng sức khỏe của hành khách.
Tháng 8/2022, tổ bay chuyến bay VN384 hành trình Hà Nội – Tokyo (Nhật Bản) đã quyết định quay đầu về sân bay Hà Nội sau hơn 1 giờ 45 phút bay để cấp cứu một hành khách trẻ em quốc tịch Nhật Bản bị chảy máu không ngừng.
Hạ cánh khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng hành khách là cấp thiết, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định kịp thời từ phi hành đoàn cũng như hãng bay.
Dù việc điều hướng chuyến bay để hạ cánh khẩn cấp tốn không ít nguồn lực và chi phí của hãng cho việc sắp xếp lại chuyến bay, tra nạp nhiên liệu, phục vụ mặt đất hay bồi thường cho hành khách, Vietnam Airlines vẫn luôn đặt sự an toàn của tất cả hành khách là ưu tiên số một.