Trong 3 tháng bùng phát đợt dịch thứ 4, tốc độ lan nhanh và mạnh của biến thể virus SARS-CoV-2 có tên Detla khiến Việt Nam đang phải đối mặt với số ca nhiễm tăng nhanh chưa từng có. Sáng 26/7, Việt Nam chính thức vượt mốc 100.000 ca nhiễm.
Bắt đầu tấn công các tỉnh, thành phố phía bắc mà trọng tâm là các bệnh viện lớn tại Hà Nội và các khu công nghiệp lớn tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, đợt dịch thứ tư tiếp tục thể hiện sự nguy hiểm và khốc liệt của nó khi lan nhanh vào TP Hồ Chí Minh, tấn công nhiều tỉnh, thành phố phía nam.
Tốc độ lan virus rất nhanh, có tới 60-80% bệnh nhân không có triệu chứng. Vì thế, cuộc chiến này đòi hỏi các địa phương phải có những biện pháp chống dịch mới, cứng rắn, triệt để hơn.
Từ 0 giờ ngày 19/7, 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là thời điểm, cả nước mới có hơn 58.000 bệnh nhân, trong đó riêng số ca đợt dịch thứ tư là 52.215 ca.
Từ 6 giờ ngày 24/7, Thành phố Hà Nội cũng đã quyết định triển khai Chỉ thị 16. Khi đó, Việt Nam có tổng 86.957 ca mắc Covid, trong đó riêng đợt dịch thứ tư đã lên tới 83.242 ca. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc giãn cách theo Chỉ thị 16 là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
7 ngày qua, tổng nhiễm trên cả nước tăng 17.085 (tăng 72%) so với cùng kỳ, tổng bệnh nhân tử vong giảm 19 (giảm 14%), số người khỏi bệnh tăng 5.524 ( tăng 397%).
Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường và còn nhiều khó khăn về điều kiện bảo đảm; với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.
Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.
Tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương phía nam, số ca Covid-19 được phát hiện liên tục tăng rất nhanh trong nhiều ngày gần đây. Trong số top 10 tỉnh, thành phố có số ca nhiễm cao nhất cả nước, có tới 5 địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (Chỉ thị 16), phải chia “2 mũi giáp công” linh hoạt trong phòng, chống dịch.
Theo đó, một mũi sẽ phải tập trung lực lượng tại những vùng có nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng khống chế vùng này. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt vùng an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.
TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu tác động mạnh nhất trên mọi mặt trong đợt dịch thứ tư. Địa phương này đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ, gồm Chỉ thị 15 của Thủ tướng đến Chỉ thị 10 của Thành phố, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và nay là siết chặt Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, tình hình dịch tại đây chưa được khống chế, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, nguyên nhân chủ yếu của sự lây lan chưa có dấu hiệu thuyên giảm từ việc người dân không thực hiện nghiêm việc giãn cách và việc kiểm soát của cơ quan chức năng. Hiện nay ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau.
Đến 25/7, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện số ca nhiễm rất cao, lên tới 3.000 - 4.000 ca/ngày, trong đó có hàng nghìn ca được phát hiện ngoài cộng đồng. Tổng số ca Covid-19 tại đây đã vượt mốc 62 nghìn ca, chiếm hơn 60% số ca nhiễm cả nước.
Vì thế, TP Hồ Chí Minh sẽ phải tiếp tục siết chặt các quy định giãn cách xã hội. Người dân tuyệt đối ở nhà, chỉ ra ngoài khi có công việc thiết yếu. Thành phố đã tính tới tình huống xấu hơn là khởi động phương án số 3 khi dịch mất kiểm soát, thành phố sẽ có phương án quyết liệt về phong toả, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp mạnh khác.
Với việc ghi nhận hàng nghìn ca mắc/ngày tạo nên áp lực lớn cho công tác điều trị. Trong đợt dịch này, Bộ Y tế đã triển khai mô hình điều trị tháp “4 tầng” để phân loại bệnh nhân, tập trung nhân lực điều trị cho các trường hợp nặng.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình điều trị tháp “5 tầng” trong thu dung điều trị các trường hợp F0. Theo đó, tầng mới nhất là tầng 1 – là các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần này, ngành y tế đã chuẩn bị tích cực nhất về nhân lực, trang thiết bị y tế với mục tiêu giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Để chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn, Bộ trưởng Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống ô-xy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra, Bộ Y tế đã có kế hoạch thành lập 5 trung tâm hồi sức tích cực Trung ương tại các khu vực.
Trước kẻ thù mạnh và vô hình như SARS-CoV-2, những biện pháp mạnh mẽ nhất trong phòng, chống dịch, trong huy động tổng lực để hỗ trợ các địa phương ở “vùng đỏ” đã được Chính phủ ban hành. Những nỗ lực hết sức của đội ngũ áo trắng trong tuyến đầu điều trị, giữ vững hệ thống y tế không bị quá tải đã được minh chứng bằng hàng nghìn ca khỏi bệnh, nhiều ca bệnh nặng được hồi sinh kỳ tích.
Giờ đây, để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, chấm dứt hẳn dịch bệnh, vấn đề quan trọng nhất chính là ý thức tuân thủ giãn cách xã hội của người dân để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Mỗi người dân cần phải quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch".
LAM GIANG
Ảnh: DUY LINH