Việt Nam và Trung Quốc có nhiều cơ hội hợp tác phát triển chè, cà-phê

NDO -

NDĐT - Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất và xuất khẩu chè và cà-phê. Sáng 14-10, nhân dịp Bộ trưởng Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú thăm chính thức Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Diễn đàn "Hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà-phê Việt Nam - Trung Quốc”.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm cà-phê của Việt Nam tại Diễn đàn.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm cà-phê của Việt Nam tại Diễn đàn.

Lợi thế về phát triển chè và cà-phê

Phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành chè Việt Nam đang được nâng cấp cả về quy mô, công nghệ, với khoảng 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất chế biến 5.204 tấn búp tươi/ngày.

Cơ cấu sản phẩm chè của Việt Nam chiếm 60% chè đen, 40% chè xanh gồm chè sao lăn, xanh duỗi, các loại chè đặc biệt như Ô long, Phổ nhĩ,chè hương, thảo dược…

Đối với ngành cà-phê, hiện tổng diện tích sản xuất cà-phê của cả nước năm 2018 đạt hơn 688 nghìn ha, sản lượng cà-phê nhân xấp xỉ 1,42 triệu tấn, tăng 49 nghìn tấn so năm 2017. Đến nay, cà-phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu và dẫn đầu toàn cầu về cà phê robusta. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,88 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD, tăng gần 20% về lượng và 1% về giá trị so năm 2017.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nông nghiệp nông thôn (NNNT) Trung Quốc Hàn Trường Phú cũng khẳng định, chè và cà-phê của Việt Nam chiếm vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, được nhân dân Trung Quốc đón nhận nhiệt tình.

“Trung Quốc và Việt Nam đều có truyền thống trồng chè đạt sản lượng lớn và giành được vị trí quan trọng trong thị trường chè thế giới”, Bộ trưởng Hàn Trường Phú cho hay.

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều cơ hội hợp tác phát triển chè, cà-phê ảnh 1

Hai Bộ trưởng chủ trì phiên thảo luận thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hai nền nông nghiệp có nhiều cơ hội hợp tác

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, với xu thế phát triển hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều cơ hội hợp tác và phát triển chè và cà-phê. Với dân số 1,42 tỷ dân, chiếm 18,7% tổng dân số thế giới, có hàng trăm triệu khách du lịch, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.

"Chè và cà-phê là hai sản phẩm còn nhiều tiềm năng lớn nếu hợp tác chặt chẽ. Khó có sản phẩm nào tạo ra hương vị, sự đam mê cuốn hút như chè và cà-phê, một sự bổ dưỡng trong chăm sóc sức khỏe nếu sử dụng hợp lý. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển sản xuất, chế biến và hoạt động thương mại trong ngành chè và cà-phê không chỉ phục vụ nhân dân hai nước mà còn hướng đến thị trường toàn cầu với dân số 7,7 tỷ người", Bộ trưởng NN-PTNT Việt Nam nhận định.

Có cùng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người đồng cấp Trung Quốc Hàn Trường Phú chia sẻ, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chè và cà-phê của Trung Quốc rất lớn, nhu cầu sử dụng hai loại đồ uống này ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu đứng thứ 12 về cà-phê (kim ngạch đạt hơn 109 triệu USD) và đứng thứ tư về chè của Việt Nam (kim ngạch gần 20 triệu USD). Trong khi đó, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu số một đối với cao-su, rau quả, sắn các loại của Việt Nam.

“Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp cà-phê, chè của Việt Nam sang Trung Quốc tìm kiếm thị trường, đối tác. Bản thân chúng tôi cũng có nhu cầu về mặt hàng này và mong muốn trong thời gian tới, hai nước sẽ tăng cường thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chè, cà-phê có chất lượng cao, có thương hiệu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”, Bộ trưởng Hàn Trường Phú chia sẻ.

Bộ NN-PTNT Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng ngành chè, cà-phê, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, an toàn, thu hút đầu tư, liên doanh liên kết nhằm phát triển lĩnh vực chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.