Việt Nam ủng hộ việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

NDO - Ngày 2/8, bên lề tuần lễ Thảo luận chung Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tham gia thảo luận tại sự kiện do Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm chủ trì với chủ đề “Chống phổ biến, năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu".
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại buổi thảo luận về "Chống phổ biến, năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu".
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại buổi thảo luận về "Chống phổ biến, năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu".

Cùng tham dự có Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Đại sứ Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) tại IAEA và Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc gia Kenya.

Trong bối cảnh các nước vừa phải ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đối khí hậu, khủng hoảng năng lượng trong khi nhu cầu năng lượng gia tăng, Mỹ, Kenya, UAE và IAEA đều khẳng định tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong phát triển kinh tế -xã hội.

Các đại biểu Kenya và UAE cho biết, để có chính sách phát triển nhà máy điện hạt nhân phù hợp với điều kiện quốc gia, các nước cần xác định ưu tiên trong chính sách phát triển, xây dựng một lộ trình phù hợp, tịnh tiến và chuẩn bị đủ nguồn lực.

Mỹ cho biết điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 50% nguồn điện không phát thải carbon và gần 20% tổng sản lượng điện của cả nước Mỹ. Sở hữu nhiều công nghệ hạt nhân mới và tiên tiến, Mỹ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các nước chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ chuyên gia để vận hành nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ năng lượng sạch.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ trưởng đánh giá cao những tiềm năng và lợi ích của điện hạt nhân mang lại, song cho rằng việc phát triển công nghệ này cần bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân và tuân thủ các quy định về thanh sát hạt nhân; đồng thời khẳng định Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ quốc gia của mình với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của IAEA trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

*Cùng ngày, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã gặp và làm việc với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chính sách Volker Turk và Trưởng đoàn các nước Anh, Kyrgyzstan, Na Uy, Romania, Slovenia và Australia nhằm trao đổi thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, những ưu tiên tại Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần này và hợp tác tại diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên hợp quốc.

Việt Nam ủng hộ việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình ảnh 1

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc tiếp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chính sách, Volker Turk, ngày 2/8.

Qua trao đổi, các đối tác và Liên hợp quốc đều đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các nỗ lực phục hồi hậu đại dịch, kiểm soát lạm phát và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế; đánh giá cao vai trò và các sáng kiến của Việt Nam tại Liên hợp quốc và ASEAN trong thời gian qua.

Việt Nam và các đối tác cùng chia sẻ những quan ngại về tình hình thế giới và khu vực, cho rằng môi trường quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong bối cảnh địa chính trị diễn biến phức tạp, khó lường, do đó khẳng định cần tiếp tục đề cao và củng cố chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu; đề cao vai trò của Liên hợp quốc trong việc tìm giải pháp lâu dài, bền vững cho các cuộc xung đột, nhất là tại Ukraine.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng cảm ơn những đánh giá tích cực, nhấn mạnh Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác, đối thoại cởi mở, chân thành với tất cả các nước và mong muốn các nước sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.