Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025

NDO -

Vào lúc 16 giờ (giờ địa phương) ngày 17/11, trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại thủ đô Paris ̣(Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (HĐCH UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu 163/178 ( đạt 92%) nằm trong số các nước đạt số phiếu cao nhất trúng cử đợt này.

Phiên họp toàn thể Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris.
Phiên họp toàn thể Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris.

HĐCH gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của Tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, nhiều đoàn đại biểu các nước đã đến chúc mừng đoàn Việt Nam đã trúng cử vào HĐCH UNESCO nhiệm kỳ mới.

Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 -0
Ông Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. 

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân, ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết: “Hôm nay tôi cảm thấy rất vui mừng trước kết quả bỏ phiếu bầu vào HĐCH UNESCO với số phiếu rất cao trong kỳ bầu cử lần này. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các quốc gia thành viên UNESCO dành cho Việt Nam. Với những uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế nói chung và tại diễn đàn UNESCO nói riêng, sắp tới chúng ta tham gia vào UNESCO với tư cách là thành viên HĐCH nhiệm kỳ 2021-2025 xác định tiếp tục thể hiện mình là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế nói chung và UNESCO nói riêng. Là thành viên Hội đồng Chấp hành,Việt Nam sẽ có những đóng góp của mình vào việc giải quyết những vấn đề lớn, chương trình lớn của UNESCO dự kiến triển khai trong thời gian tới”.

Việt Nam trở thành thành viên HĐCH thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO. Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 -0
 

Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân (ảnh trên) vui mừng, cho biết: “Kết quả bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm cao của bạn bè quốc tế đối với uy tín và những đóng góp của Việt Nam trong thời gian vừa qua ở tầm đa phương toàn cầu. Tôi cho rằng, vị thế, uy tín và những đóng góp của Việt Nam thể hiện trên vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo An LHQ vào việc thúc đẩy hợp tác đa phương, đó chính là nhân tố để bạn bè quốc tế thấy được Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm, đóng góp xây dựng những công việc chung của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, Việt Nam luôn được các thành viên UNESCO đánh giá cao là một trong những nước triển khai hiệu quả nhất các chương trình hợp tác của UNESCO. Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia các cơ quan điều hành của UNESCO ở những nhiệm kỳ trước. Những kinh nghiệm đó là cơ sở tốt để Việt Nam tiếp tục có những đóng góp trong thời gian sắp tới, nâng tầm những đóng góp và uy tín của Việt Nam vào công việc chung của UNESCO và cộng đồng quốc tế”.

Việt Nam đã từng là thành viên HĐCH UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và nhiệm kỳ 2015-2019. Trở thành thành viên HĐCH nhiệm kỳ 2021-2025 là cơ hội để Việt Nam đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông; đồng thời khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.