“Gặp gỡ Việt – Nhật 2012”

Việt Nam thu hút đầu tư Nhật Bản vào công nghiệp phụ trợ

NDO -

NDĐT- Cơ hội hợp tác kinh tế, đầu tư song phương Việt Nam-Nhật Bản sẽ tăng lên đáng kể- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng khẳng định tại phần khai mạc “Diễn đàn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển với trọng tâm là ngành công nghiệp phụ trợ”, tổ chức chiều qua (13-9) tại Nhật Bản.

Diễn đàn đã thu hút hơn 400 đại biểu từ Việt Nam và Nhật Bản (ảnh:VOV)
Diễn đàn đã thu hút hơn 400 đại biểu từ Việt Nam và Nhật Bản (ảnh:VOV)

Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động của sự kiện “Gặp gỡ Việt-Nhật 2012” diễn ra từ ngày 13 đến 18-9 tại Thủ đô Tokyo và thành phố Fukuoka của Nhật Bản.

Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển với trọng điểm là công nghiệp phụ trợ lần này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) tổ chức.

Hội thảo thu hút hơn 400 đại biểu đến từ năm tỉnh, thành phố ven biển và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, cùng các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh, Diễn đàn đầu tư lần này là cơ hội tốt để các bộ ngành và các địa phương của Việt Nam giới thiệu với các nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư, trong đó có các chính sách thu hút đầu tư của chính phủ và những thế mạnh trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của các địa phương, đồng thời để lắng nghe ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư Nhật Bản. Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và bày tỏ hy vọng doanh nghiệp Nhật Bản gặt hái thành công tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, đến tháng 7-2012, Nhật Bản đã có hơn 1.700 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 28 tỷ USD. Các nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá cao về tốc độ triển khai dự án, công nghệ tiên tiến và đóng góp nhiều cho xã hội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, đổi mới cơ cấu, chất lượng đầu tư và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế là mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ tiên tiến mũi nhọn và chú trọng phát ngành công nghiệp phụ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất mà Việt Nam có ưu thế.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, để Việt Nam trở thành một sự lựa chọn của các nhà đầu tư Nhật Bản, chính phủ Việt Nam xác định cần xây dựng môi trường đầu tư tốt có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Giám đốc điều hành, Trưởng Ban kế hoạch Ngân hàng SMBC Yasuyuki Kawasaki cho biết, SMBC hỗ trợ tổ chức diễn đàn đầu tư với mong muốn giúp thu thập thông tin, tìm kiếm đối tác cho các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam. Theo ông Kawasaki, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Ngân hàng SMBC tại Hà Nội Noriyuki Watanabe, mặc dù Việt Nam có đến hơn 280 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng số khu công nghiệp khu chế xuất có đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản không nhiều.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn gặp khó khăn trong một số vấn đề như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp điện không ổn định, hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện...

Theo ông Watanabe, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đây vẫn là những lĩnh vực Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa.

Ông Hiroyuki Moribe, nguyên Trưởng Đại diện tại Hà Nội của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho rằng, để phát triển nền công nghiệp phụ trợ, cách tốt nhất là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, cách làm này sẽ mất khá nhiều thời gian. Việt Nam có thể đi tắt đón đầu bằng cách thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ngoài vào để tạo nền tảng cho nền công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học được rất nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài.

“Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải có các chính sách thu hút thật nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ngoài hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao. Để làm được điều đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các chính sách, chế độ thật chi tiết và dễ hiểu. Cần có một đầu mối có thể trả lời từng câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Moribe khuyến nghị.

Bên cạnh đó, đại diện thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã giới thiệu thế mạnh và tiềm năng của địa phương mình nhằm kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.