Được thành lập vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền với tư cách là cơ quan liên chính phủ quan trọng nhất của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về nhân quyền đã khẳng định được vai trò của mình. Với mong muốn “tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền từ khi cơ quan này chính thức hoạt động.
Vì thế, trong lần thứ hai là thành viên của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2023-2025), Việt Nam coi đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao. Để xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam không ngừng nỗ lực phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người không chỉ phạm vi trong nước mà còn trên bình diện thế giới.
Ngay tại Khóa 52 mở đầu nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền, đoàn Việt Nam đã giới thiệu sáng kiến về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA). Từ đây tái khẳng định tầm quan trọng của những nguyên tắc chính về nhân quyền của hai văn kiện lịch sử UDHR và VDPA; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc.
Trên cơ sở này, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam đã trực tiếp triển khai soạn thảo, tham vấn, thương lượng dự thảo Nghị quyết. Đến ngày 3/4/2023, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết này với sự đồng thuận của 121 nước là minh chứng cụ thể cho nỗ lực và trách nhiệm kịp thời của Việt Nam khi tham gia các vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Sau thành công trên, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong xây dựng chuỗi nghị quyết hằng năm về bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu. Tại Khóa 53 Hội đồng Nhân quyền (tháng 6-7/2023), Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đã đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực.
Qua đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các lỗ hổng trong bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu; khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc ra quyết định và ban hành chính sách về biến đổi khí hậu; kêu gọi các quốc gia thực hiện thỏa thuận tài trợ, theo quyết định tại COP 27. Từ đó, hỗ trợ các nước đang phát triển ngăn chặn và giải quyết các tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.
Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam, Bangladesh và Philippines tiến hành đề xuất, soạn thảo nội dung, tham vấn xây dựng Nghị quyết 2023 về Biến đổi khí hậu về quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người”. Ngày 12/7/2023, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết này và 80 quốc gia đã tham gia đồng bảo trợ. Cũng trong kỳ họp này, Việt Nam cùng Hoa Kỳ và Argentina đồng tổ chức Tọa đàm quốc tế về chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc.
Mới đây, tại Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về bảo đảm các quyền cụ thể như quyền môi trường trong lành, bền vững; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền của người khuyết tật; quyền trẻ em… Việt Nam cũng nhấn mạnh các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.
Đến nay, Việt Nam đã tích cực thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Nhân quyền trong công tác tham vấn, bỏ phiếu thông qua 32 dự thảo nghị quyết và 2 quyết định của Hội đồng Nhân quyền. Bên cạnh những kết quả này, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019. Đồng thời Việt Nam cũng thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền, tiếp cận với những vấn đề còn nhiều khác biệt như quan hệ giữa phát triển và nhân quyền, sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính,...
Những đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền trong thời gian qua đã góp phần giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về nỗ lực của nước ta trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế với Việt Nam còn được thể hiện qua việc ngày 9/4, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Đây là cơ hội để Việt Nam sát cánh với các thành viên trong UN Women tham gia xây dựng các chiến lược nhằm xóa bỏ nạn phân biệt, kỳ thị phụ nữ và trẻ em gái, bảo đảm sự công bằng giữa phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực phát triển.
Những thành tựu nêu trên đã cho thấy một Việt Nam tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế vì quyền con người. Thế nhưng vẫn có một số cá nhân, tổ chức không thiện chí cố tình phủ nhận những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Thời gian gần đây, các hoạt động chống phá có xu hướng gia tăng với mục đích là ngăn cản Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền 2026-2028. Nhân danh “đấu tranh” cho các quyền tự do, dân chủ, các đối tượng, tổ chức nêu trên thường xuyên lợi dụng các diễn đàn báo chí quốc tế để xuyên tạc, bôi đen tình hình nhân quyền ở Việt Nam bằng nhiều cáo buộc vô căn cứ. Điển hình là phát ngôn mới đây của đại diện của Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVISUS) cho rằng Việt Nam “đã không thực thi nhiều khuyến nghị do Hội đồng Nhân quyền đưa ra trong kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) gần nhất vào năm 2019”.
Hay tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vốn lâu nay thường xuyên thể hiện bản chất cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam còn đưa ra những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu như: “Việt Nam là một thảm họa không thể giải quyết được với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tiến hành cuộc đàn áp quy mô lớn đối với các nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động ở trong nước, đồng thời tích cực dung túng những hành vi vi phạm nhân quyền của các quốc gia khác được đưa ra trước Hội đồng. Khó có thể tìm ra thành viên nào tồi tệ hơn trong Hội đồng, vì vậy chiến dịch tái tranh cử của Hà Nội phải bị bác bỏ tuyệt đối”.
Từ đây cho thấy các thế lực chống phá thù địch đang cố tình phớt lờ việc Việt Nam đã nộp báo cáo UPR chu kỳ IV và thực thi đến gần 90% số khuyến nghị do các bên đưa ra. Theo đánh giá của bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tại Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam diễn ra vào ngày 24/11/2023: “Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”.
Đáng lên án hơn, một số tổ chức nhân quyền tự xưng như “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam”, “Người Bảo vệ Nhân quyền” và “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” còn xây dựng nhiều báo cáo không khách quan, sai sự thật về việc thực thi các công ước về quyền con người của Việt Nam nhằm gây sức ép lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc tại phiên họp kiểm điểm việc thực thi Công ước ICCPR của Nhà nước Việt Nam, hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Hầu hết cáo buộc của các cá nhân, tổ chức này không hề mới, đã bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan báo chí trong nước bác bỏ thông qua những dẫn chứng, số liệu cụ thể. Đáng tiếc là một vài cơ quan, cơ chế thực thi nhân quyền và một số quốc gia vẫn dựa vào những thông tin sai lệch để đưa ra các nhận định có tính quy kết về công tác bảo đảm và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam mà không hề có sự tham khảo, chọn lọc, đánh giá thông tin một cách nghiêm cẩn, khách quan. Điều này không chỉ phủ nhận công sức của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền mà còn tạo ra những rào cản trong quá trình hiểu biết lẫn nhau và thiết lập hướng đi chung cho lĩnh vực này.
Dù vẫn còn một nửa nhiệm kỳ ở phía trước, với nhiều khó khăn, thách thức nhưng có thể khẳng định Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025 với nhiều dấu ấn cụ thể.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: “Năm 2024 là năm bản lề của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, với nhiều hoạt động trọng tâm như trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV, tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên, nhất là sáng kiến về biến đổi khí hậu và quyền con người, kết hợp với công tác vận động các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam lần đầu tiên tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028”.
Với quyết tâm cao nhất cùng sức mạnh từ sự đoàn kết, trên dưới một lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền khác của Liên hợp quốc, ASEAN. Bằng những hành động thiết thực, Việt Nam đang đi đúng hướng trên tiến trình thúc đẩy đoàn kết quốc tế và phát triển bao trùm, bền vững.