Việt Nam sớm thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc

NDO -

“Nếu chúng ta duy trì được mức tăng trưởng trong các thập kỷ tới thì chúng ta sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước đang có chiều cao hàng đầu châu Á”, GS, TS Lê Danh Tuyên nhận định.

GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Đầu năm Tân Sửu, GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã dành cho phóng viên Nhân Dân điện tử cuộc trò chuyện ngắn về câu chuyện chiều cao của người Việt.

Phóng viên: Năm 2020, Viện Dinh dưỡng Quốc gia có nghiên cứu về chiều cao của người Việt và có những con số đánh giá rất tích cực, được coi là 1 trong 10 thành tựu y tế năm 2020. So với một số nước trong khu vực, chiều cao của người Việt đang ở mức nào. Ông có thể đưa ra một số so sánh với những bước cải thiện chiều cao của Việt Nam với Nhật Bản?

GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên: Mức tăng chiều cao vào các năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các nước châu Âu tương đương với mức tăng mà Việt Nam đạt được trong 10 và 20 năm qua. Tuy nhiên, mức tăng ở châu Âu duy trì qua nhiều thập kỷ và cho đến nay vẫn tăng tuy đã chậm lại rất nhiều (chỉ còn tăng 0,3-0,5 cm/thập kỷ).

Sau Chiến tranh Thế giới lần II khoảng 15 năm thì hiện tượng gia tăng chiều cao xuất hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc với mức tăng tương tự nước ta hiện nay.

Điều này cho thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chín muồi của chuyển tiếp kinh tế từ thấp lên cao hơn và đã tác động mạnh mẽ tới gia tăng chiều cao thanh niên, cùng với chính sách phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ngay từ giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.

Do nhiều quốc gia không có các số liệu cập nhật nên việc so sánh trên thế giới sẽ là không chính xác. Ở Đông Nam Á, thanh niên Việt Nam có chiều cao còn thấp hơn Singgapore, Thái Lan nhưng đã tương đương với Malaysia.

Tổng Điều tra 2019 - 2020 được Viện Dinh dưỡng và Tổng cục Thống kê lấy mẫu đại diện theo các vùng sinh thái toàn quôc với 22 ngàn mẫu gia đình. Riêng mẫu đo chiều cao thanh niên được xấp xỉ 15 ngàn thanh niên từ 15-29 tuổi.

Đây là quy mô điều tra lớn nhất từ trước đến nay với sự giúp đỡ và kiểm định mẫu của các chuyên gia CDC Hoa Kỳ.

Kết quả cho thấy, chiều cao trẻ em thành phố dưới 15 tuổi cao hơn 2 cm so với trẻ em nông thôn. Thanh niên thành phố cả nam và nữ cao hơn 1,2-1,4 cm so với vùng nông thôn nghèo và miền núi.

Phóng viên: Theo ông, đâu là những yếu tố tác động tới chiều cao người Việt những năm qua?

GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên: Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến chăm sóc sức khỏe – đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng. Ngày 20-11-1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Công ước nhấn mạnh “trẻ em cần được chuẩn bị đầy đủ để cuộc sống cá nhân trong xã hội và được nuôi dưỡng theo tinh thần các lý tưởng được nêu ra trong Hiến chương Liên hợp quốc”.

Khi tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao (sau chiến tranh), Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trong giảm suy dinh dưỡng trẻ em. Không chỉ riêng cố gắng của ngành y tế, mà các cấp các ngành đều đã tập trung chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Thành quả giảm suy dinh dưỡng thấp còi xuống dưới 20 % hiện nay tất yếu sẽ nâng cao tầm vóc thanh niên ta. Đặc biệt, việc chăm sóc 1.000 ngày đầu đời – 1.000 ngày vàng có ý nghĩa quyết định.

Các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ nhiều nước đã giúp đỡ mức cao nhất cho Việt Nam phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, một yếu tố quan trong bậc nhất trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi và dẫn tới gia tăng chiều cao thanh niên.

Việt Nam sớm thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc -0
1.000 ngày đầu đời là giai đoạn duy nhất trong cuộc đời trẻ có thể tăng trưởng chiều cao trên 10 cm trong một năm.

Phóng viên: Để tăng chiều cao người Việt, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp tổng thể nào"

GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên: Với sự chênh lệch về chiều cao giữa trẻ ở nông thôn và thành thị, chiến lược dinh dưỡng giai đoạn tới sẽ phải tập trung mạnh mẽ hơn với vùng nông thôn nghèo, vùng hay xảy ra thiên tai và vùng miến núi.

Theo tôi, các bậc phụ huynh cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết về tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời. Đây là giai đoạn duy nhất trong cuộc đời trẻ có thể tăng trưởng chiều cao trên 10 cm trong một năm. Thậm chí, nếu các bà mẹ chăm sóc con tốt, chiều cao của bé có thể tăng 12-14 cm/năm. Bỏ lỡ giai đoạn này thì dù sau có thể phát triền bù nhưng không bao giờ đạt được mức như những trẻ được nuôi dưỡng tốt.

Vì thế, tôi muốn khuyến cáo các chị em phụ nữ ngay từ giai đoạn tiền thai kỳ cần ăn uống đầy đủ theo Tháp dinh dưỡng mà Bộ Y tế đã phê duyệt, đồng thời cần được bổ sung vi chất đầy đủ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chung tay thực hiện nghiêm túc Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường vi chất vào thực phẩm, không nên bao biện các lý do đề thực phẩm nghèo dinh dưỡng được hộ gia đình tiêu thụ.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tương lai chiều cao của người Việt? 

GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên: Nếu chúng ta duy trì được mức tăng trưởng trong các thập kỷ tới thì chúng ta sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước đang có chiều cao hàng đầu châu Á. Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đã qua giai đoạn tăng tốc và mức tăng hiện nay đã chậm lại, chỉ còn 0,8-1,1 cm/10 năm.  

Xin cảm ơn GS, TS, TTND Lê Danh Tuyên!

Theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng 2020, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm, tăng 3,7 cm và nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với 10 năm trước. Nếu so thời điểm cách đây 20 năm, chiều cao nam thanh niên đã tăng 4,4 cm và nữ tăng thêm 3,6 cm và so với năm 1985, nam giới đã tăng thêm 8,6 cm, nữ tăng thêm 5,7 cm.

Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Với chiều cao hiện tại, với năm 2010.

Cũng theo kết quả của tổng điều tra này, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam đạt 19,6%, lần đầu tiên xuống dưới 20%. Đây được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1997.

Tết bình an