COP là đơn vị quản lý tất cả dự án điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP). Tại Việt Nam, COP hiện đang quản lý và phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.
PV: Thưa ông Stuart Livesey, ông đánh giá thế nào về "sức hấp dẫn" của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi so với các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á?
Ông Stuart Livesey: Qua nghiên cứu sâu về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, tôi có thể khẳng định, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm của Châu Á Thái Bình Dương cả về sản xuất và sử dụng tài nguyên gió ngoài khơi, đồng thời sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng và lực lượng lao động chuyên môn hóa cao, có thể hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực và thậm chí xuất khẩu năng lượng được tạo ra nhờ nguồn tài nguyên gió dồi dào và vùng nước tương đối nông dọc theo bờ biển dài của Việt Nam.
Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, cho nên nếu nhà đầu tư nào có ý định bắt đầu hành trình đầu tư điện gió ngoài khơi tại quốc gia này thì đây sẽ là một dự án rất có lợi cả về tài chính cho đất nước cũng như về an ninh năng lượng và đa dạng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch.
PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về tiềm năng cũng như thách thức của ngành điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Stuart Livesey: Tiềm năng ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chính là những cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng hoá thạch với chi phí cao sang sử dụng năng lượng tái tạo, dựa trên nguồn gió ngoài khơi có chất lượng tốt, đặc biệt là ở khu vực phía nam Việt Nam. Ở đây, độ sâu tự nhiên của nước biển tương đối nông cùng đáy biển có cấu trúc khá vững chắc, rất thuận lợi cho việc xây dựng các trụ turbine. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cảng có thể nâng cấp, kích thích chuỗi cung ứng, cộng với lực lượng lao động dồi dào, thuận lợi trong việc hỗ trợ nâng cao trình độ sử dụng cho ngành điện gió ngoài khơi,… là những thuận lợi cơ bản, đặc thù nổi trội.
Chân dung ông Stuart Livesey. |
Tuy nhiên, những thách thức hiện tại mà ngành điện gió ngoài khơi đang gặp phải gồm việc chia sẻ thông tin để Chính phủ và chính quyền địa phương hiểu được sự khác biệt giữa điện gió ngoài khơi với điện gió trên bờ và điện mặt trời. Điện gió ngoài khơi cần nguồn vốn khổng lồ, ngành công nghiệp này yêu cầu kỹ thuật hết sức phức tạp để xây dựng một hệ thống sản xuất điện ngoài biển, sau đó truyền tải điện vào bờ.
Đối với những dự án cơ sở hạ tầng lớn và quan trọng như vậy, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương để Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra các cơ chế, chính sách và quyết định phù hợp, kịp thời để phát triển ngành này. Một phần quan trọng nữa, với chi phí đầu tư cao như vậy, bên cạnh khung pháp lý phù hợp cho điện gió ngoài khơi, việc bảo đảm thỏa thuận mua bán điện cũng cần được thiết lập để vận hành và quản lý đối với các nhà đầu tư dài hạn. Nếu chưa giải quyết được những vấn đề trên, sẽ tạo ra rào cản lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
PV: Ông vừa nhận định khu vực phía nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi, vậy theo đánh giá của ông, địa phương nào của Việt Nam sẽ trở thành "điểm sáng" về ngành này?
Ông Stuart Livesey: Như tôi đã nêu ở trên, khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, khi xét về “điểm sáng” và “điểm tốt nhất”, sẽ có rất nhiều yếu tố cần được đưa ra như nhu cầu năng lượng, khoảng cách đến lưới điện, cơ sở hạ tầng và truyền tải lưới điện hiện có/theo kế hoạch, độ sâu của nước, cơ sở cảng, các hạn chế về môi trường, v.v. mới có thể đánh giá được cụ thể. Những khía cạnh này là lý do tại sao ngành điện gió ngoài khơi luôn rất cần chú trọng vào việc thu thập nhiều thông tin tại các vị trí trọng điểm của dự án, tuy nhiên các giấy phép khảo sát ngoài khơi hiện vẫn đang trong quá trình xem xét phê duyệt nên chưa thể có câu trả lời chính xác.
PV: Theo ông, trên thế giới, quốc gia/vùng lãnh thổ nào có điểm tương đồng về để Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi?
Ông Stuart Livesey: Đài Loan (Trung Quốc) có thể coi là một thí dụ điển hình để Việt Nam tham khảo, đặc biệt là cách họ khởi xướng hành trình điện gió ngoài khơi bằng các dự án thí điểm, xây dựng một cơ chế chuyển tiếp với biểu giá dựa trên việc bảo đảm ngày chạy thử để tạo ra năng lượng được truyền tới nhà thầu và sau đó là bên thứ ba chủ trì một cuộc đấu giá, cạnh tranh công khai.
Một quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc cũng đang có xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng lộ trình phát triển ngành này tại đây còn ở giai đoạn sơ khai, từ việc khảo sát cho tới làm việc với Chính phủ về các cơ chế, chính sách và cũng gần giống với Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá Việt Nam hoàn toàn là nơi có tiềm năng trở thành trung tâm của Đông Nam Á trong ngành này.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược sắp tới của dự án điện gió La Gàn? Vì sao Tập đoàn CIP lại chọn Việt Nam để đầu tư dự án này, cụ thể là ở Bình Thuận?
Ông Stuart Livesey: Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất 3,5GW đang được phát triển tại tỉnh Bình Thuận, khi hoàn thành sẽ có thể tạo ra đủ điện cho khoảng 7 triệu hộ gia đình Việt Nam và tăng thêm nhiều việc làm. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD và trong số này, ước tính khoản chi phí đầu tư hơn 4 tỷ USD sẽ đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế Việt Nam.
Dự án La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi được phát triển sớm nhất tại Việt Nam, đã nằm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII và nhận được thư chấp thuận của tỉnh Bình Thuận, đồng thời cũng đã nộp giấy phép khảo sát ngoài khơi, nhận được tất cả các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hồ sơ và hiện đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Ông Stuart trình bày tham luận về phát triển điện gió tại diễn đàn. |
Tập đoàn CIP có thể nhìn thấy tiềm năng to lớn mà Việt Nam đang có về tài nguyên gió, nhu cầu năng lượng cũng như chuỗi cung ứng và lực lượng lao động có năng lực và có thể chuyển giao. Những yếu tố thuận lợi này khiến Việt Nam trở thành một quốc gia lý tưởng để cung cấp điện gió ngoài khơi cho nhu cầu sản xuất năng lượng của chính mình và trong tương lai hoàn toàn có tiềm năng rộng mở để xuất khẩu năng lượng sang các nước trong vùng.
Bình Thuận là địa phương có vị trí thuận lợi để tận dụng các doanh nghiệp địa phương, cảng biển có sẵn tham gia vào ngành này. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo của Bình Thuận cũng hết sức cởi mở, sẵn sàng đón nhận và khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi vì họ hiểu rõ những lợi ích mà nó có thể mang lại. CIP và COP đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong suốt một thời gian và mong muốn tiếp tục nâng cao mối quan hệ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi, đóng góp vào nền kinh tế địa phương và Việt Nam.
CIP hiện đang chờ phê duyệt Quy hoạch điện VIII và giấy phép khảo sát cũng như sẵn sàng thực hiện các cuộc khảo sát ngoài khơi để thu thập thêm dữ liệu để lên kế hoạch thiết kế dự án chi tiết, làm việc với các nhà cung ứng để triển khai dự án một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!