Đồng thời, ILO cũng hoan nghênh những quyền mới của người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam từ ngày 1-1-2021 khi Bộ luật Lao động sửa đổi đã được thông qua năm 2019 bắt đầu có hiệu lực. “Bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ”, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nhận định.
Những cải tiến then chốt
Theo đó, thay đổi quan trọng nhất là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Bộ luật có một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ khoảng 55 triệu người, thay vì phạm vi điều chỉnh hiện tại chỉ khoảng 20 triệu người là những người lao động có quan hệ lao động.
Thứ hai, Bộ luật bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc không phân biệt giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động giờ đây được yêu cầu phải “bảo đảm trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau, không phân biệt giới tính” và bảo vệ thai sản. Đồng thời, lần đầu tiên, hành vi quấy rối tình dục được định nghĩa trong pháp luật và người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ban hành nội quy lao động và thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng dần lên 62 tuổi đối với lao động nam (mỗi năm tăng thêm ba tháng) và 60 tuổi đối với lao động nữ (mỗi năm tăng thêm bốn tháng). Điều này sẽ giúp giảm khoảng cách giới từ năm năm xuống còn hai năm, đồng thời giúp xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí bền vững hơn về tài chính và giải quyết thách thức về nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh.
Thứ ba, tương tự với pháp luật lao động của các nước tiên tiến, Bộ luật đã đưa ra những quy định pháp lý cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định mức lương và điều kiện lao động thông qua đối thoại và thương lượng, trong đó vai trò của Nhà nước chỉ giới hạn ở việc xác định những tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu như tiền lương tối thiểu và giới hạn thời gian làm thêm giờ. Chẳng hạn, người sử dụng lao động giờ đây không còn phải gửi thang lương, bảng lương đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, song vẫn phải tham khảo ý kiến của các tổ chức đại diện của người lao động. Nội dung này đã thể hiện đầy đủ những nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đã được thông qua năm 2018.
Thứ tư, Bộ luật cho phép người lao động được thành lập và gia nhập tổ chức đại diện người lao động do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Các tổ chức của người lao động không phải là thành viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể được thành lập tại doanh nghiệp, họ có những quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động bình đẳng với các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Bộ luật cũng bảo đảm bảo vệ các tổ chức của người sử dụng lao động và các tổ chức của người lao động trước hành vi can thiệp lẫn nhau của mỗi bên và người lao động được hưởng sự bảo vệ đầy đủ trước những hành vi phân biệt đối xử do tham gia công đoàn.
Bộ luật mới quy định rõ ràng hơn nghĩa vụ của người sử dụng lao động, nghiêm cấm những hành vi phân biệt đối xử và can thiệp vào chức năng và hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động trước và sau khi đăng ký thành lập. Cán bộ quản lý tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động không được tham gia vào cùng tổ chức của người lao động với những lao động bình thường khác. Điều này sẽ dần chấm dứt tình trạng phổ biến là các cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung chi phối các tổ chức đại diện người lao động ở cấp doanh nghiệp.
Theo Bộ luật mới, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cũng đã được tinh giản. Nếu tranh chấp lao động không được hòa giải thành công, người lao động giờ đây có thể lựa chọn đình công hợp pháp hoặc yêu cầu trọng tài phán quyết. Trước đây, cần thêm nhiều bước khác để có thể đình công hợp pháp.
Sự thay đổi này đưa pháp luật lao động và quan hệ lao động của Việt Nam tiệm cận hơn với Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể mà Việt Nam đã gia nhập năm 2019, và cải tiến theo Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền được tổ chức mà Chính phủ dự kiến sẽ phê chuẩn vào năm 2023. Tôn trọng và áp dụng đầy đủ Công ước số 87 và Công ước số 98 của ILO là yêu cầu trọng tâm đối với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
“Quan trọng hơn cả, những thay đổi này tạo nền tảng vững chắc cho Chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động tiến lên trên con đường bền vững hơn hướng tới thịnh vượng chung và tránh được bẫy thu nhập trung bình. Điều đó sẽ thúc đẩy tiến trình nâng cấp xã hội và kinh tế của Việt Nam”, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
Thách thức và cơ hội mới phía trước
Để triển khai Bộ luật Lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135 về tuổi nghỉ hưu và mới đây là Nghị định số 145 về điều kiện lao động và quan hệ lao động nhằm triển khai các quy định có liên quan. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn đăng ký tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể. Thiếu những nghị định này, người lao động và người sử dụng lao động không thể thụ hưởng những quyền mới theo Bộ luật Lao động 2019.
“Chính phủ nên thông qua các nghị định về đăng ký các tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể sớm nhất có thể, nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động thực thi quyền của mình”, bà Karen Curtis, trưởng bộ phận về Tự do Hiệp hội của ILO, nhận định. “Cần có sẵn tất cả các công cụ pháp lý để bảo đảm rằng người lao động khi thực thi các quyền mới theo Bộ luật sẽ được bảo vệ tối đa, bao gồm khỏi các hình thức trả thù.”
Theo Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee, thanh tra lao động, mặc dù có vai trò quan trọng nhất trong việc bảo đảm thực thi pháp luật hiệu quả, không thể một mình bảo đảm sự tuân thủ đầy đủ đối với Bộ luật Lao động. “Xét cho cùng, đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, không chỉ của Chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, mà còn là trách nhiệm của truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và tòa án để mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng đầy đủ lợi ích mà Bộ luật Lao động mới mang lại”, ông giải thích.
TS Lee cũng hy vọng: “Việc thực thi hiệu quả Bộ luật sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức, nơi phần lớn người lao động Việt Nam đang làm việc. Phát triển công nghệ cũng khiến gia tăng nhanh chóng số lượng lao động trong nền kinh tế dựa trên nền tảng internet, như những tài xế xe công nghệ mà hiện chưa rõ có được pháp luật lao động điều chỉnh không. Chính phủ, tòa án, và các đối tác xã hội cần cùng nhau tìm ra những giải pháp mới để giải quyết những thách thức của thị trường lao động hiện đại”.