Tăng cường hợp tác giao thông vận tải xứng tầm quan hệ Việt Nam-Pháp

NDO - Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Pháp từ ngày 8-10/4, Đoàn Bộ trưởng Giao thông vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã có các buổi làm việc với các cơ quan điều hành giao thông của Pháp nhằm thúc đẩy tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giao thông hàng không, đường sắt, đường bộ và hàng hải.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tham dự các hoạt động của Đoàn Bộ Giao thông vận tải. (Ảnh: MINH DUY)
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tham dự các hoạt động của Đoàn Bộ Giao thông vận tải. (Ảnh: MINH DUY)

Việt Nam và Pháp đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và tới năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Trong suốt chặng đường hơn 50 năm qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác toàn diện và duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu.

Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên mà Việt Nam và Pháp đã cùng thúc đẩy trong nhiều năm qua, nhất là trong hợp tác hàng không, đường sắt, đường bộ và hàng hải.

Tăng cường hợp tác giao thông vận tải xứng tầm quan hệ Việt Nam-Pháp ảnh 1

Đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu làm việc cùng Tổng cục Cơ sở hạ tầng, vận tải và giao thông Pháp (DGITM). (Ảnh: MINH DUY)

* Nhằm thúc đẩy lĩnh vực hàng không tại Việt Nam, đoàn công tác đã có buổi làm việc cùng đại diện Tập đoàn Airbus. Tập đoàn Airbus đã hoạt động tại Việt Nam trong hơn 40 năm và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Đến thời điểm hiện nay, Airbus đang là nhà cung cấp tàu bay lớn nhất cho các Hãng hàng không Việt Nam, với 79 máy bay cho Vietnam Airlines và 105 chiếc cho Vietjet Air. Hiện hai bên phối hợp để đánh giá kế hoạch hiện đại hóa đội tàu bay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Năm 2023, thị trường hàng không Việt Nam ghi nhận sự hồi phục và những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Tổng thị trường vận tải hàng không trong năm 2023 đạt xấp xỉ 74 triệu lượt khách, tăng 34,5% so với năm 2022 và 1,1 triệu tấn hàng hóa, giảm 9,3% so với năm ngoái. Vận chuyển hàng khách quốc tế năm 2023 đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so với năm 2022.

Hiện nay, có 2 hãng hàng không thường xuyên khai thác chuyến bay giữa hai nước Việt Nam và Pháp là Viet Nam Airlines với tần suất trung bình 7 chuyến/tuần và Air France với tần suất 3 chuyến/tuần. Trong năm 2023, thị trường vận tải hàng không giữa Việt Nam và Pháp ghi nhận kết quả tích cực với gần 500 nghìn lượt khách.

Tăng cường hợp tác giao thông vận tải xứng tầm quan hệ Việt Nam-Pháp ảnh 2

Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải thăm và làm việc tại trụ sở Bộ Chuyển đối sinh thái và Liên kết lãnh thổ Pháp. (Ảnh: MINH DUY)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn Tập đoàn Airbus tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác cùng các cơ quan, bộ ngành Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác mới như hàng không vũ trụ, khoa học công nghệ và đào tạo hàng không.

Vừa qua, Công ty ADPi của Pháp đã trúng thầu tư vấn rà soát quy hoạch và xây dựng phương án mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2025. Đồng thời, ADPi cũng là đơn vị tham gia dự án về mở rộng và lập quy hoạch chi tiết cảng hàng không Nội Bài đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Chính phủ Pháp tài trợ với tổng giá trị gần 570 nghìn EUR.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác kỹ thuật từ năm 2018. Theo đó, phía Pháp đã liên tục hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực giám sát an toàn hàng không và lĩnh vực quản lý hoạt động bay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về hàng không, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không của hai nước hoạt động kinh doanh hiệu quả, thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Tăng cường hợp tác giao thông vận tải xứng tầm quan hệ Việt Nam-Pháp ảnh 3

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng trong buổi làm việc cùng Ủy viên hội đồng vùng thủ đô Ile-de-France, bà Mesadieu Anne-Louise. (Ảnh: MINH DUY)

* Nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy cho lĩnh vực đường sắt quốc gia trong thời gian tới, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã có buổi làm việc với Cơ quan Vận tải Tự hành Paris (RATP), Liên đoàn Vận tải Vùng thủ đô Ile-de-France (IDFM) và Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngoài hệ thống xe buýt công cộng, hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều đang triển khai một số dự án đường sắt đô thị và tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn nhằm nâng cao năng lực và chất lượng giao thông công cộng của các thành phố lớn.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km. Hiện nay, dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, được đầu tư xây dựng bởi Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và tư vấn thiết kế bởi công ty Systra của Pháp. Đặc biệt, Tuyến đoạn từ Nhổn đi Thủ Lệ sẽ đưa vào khai thác trong năm 2024.

Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173km. Vì vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan vận tải Pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trong lĩnh vực đường sắt, hai nước cũng đã phối hợp hoàn thành một số dự án. Tập đoàn Alstom và đối tác Việt Nam triển khai hiệu quả hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội-Vinh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Pháp đã đồng tài trợ dự án Cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai.

Đoàn công tác bày tỏ sự ấn tượng với hệ thống tàu tốc hành TGV của Pháp, được bắt đầu xây dựng từ những năm 1970 và bắt đầu đưa vào khai thác từ những năm 1980. Tới nay Pháp đã xây dựng được mạng lưới hơn 2.800km đường sắt cao tốc kết nối tới các quốc gia láng giềng tại châu Âu và tốc độ khai thác tàu đạt 320km/h.

Tăng cường hợp tác giao thông vận tải xứng tầm quan hệ Việt Nam-Pháp ảnh 4

Cơ quan điều phối giao thông Pháp (ART) tiếp đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải. (Ảnh: MINH DUY)

* Trong lĩnh vực đường bộ, Chính phủ Việt Nam đang dành ưu tiên cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông. Việt Nam tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông với tổng số hơn 1.800km đã được đưa vào khai thác. Theo kế hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000km.

Với hệ thống đường cao tốc đang trong quá trình xây dựng, Việt Nam đặt mục tiêu 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS), hình thành các trung tâm điều hành giao thông và hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC).

Theo ông Rodolphe Gintz, Tổng cục Cơ sở hạ tầng, vận tải và giao thông Pháp (DGITM), Pháp là quốc gia có thế mạnh về phát triển đường cao tốc và quốc lộ với 12.000km, kết nối rộng khắp các thành phố lớn và các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, Pháp đã phát triển hàng nghìn tuyến đường cao tốc tại nhiều quốc gia khác ở châu Phi và tại một số vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Pháp cũng đang triển khai chuyển đổi sinh thái giao thông đô thị giữa các dòng xe thông thường và các loại phương tiện xanh. Do đó, Pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đường bộ cao tốc với Việt Nam.

Ông Thierry Guimbaud, Chủ tịch Cơ quan điều phối giao thông Pháp (ART) chia sẻ, từ năm 2009 cơ quan này quản lý hệ thống các đường sắt quốc gia và các tuyến đường sắt liên châu Âu, sau đó được mở rộng thẩm quyền quản lý hệ thống đường xe buýt vào năm 2015. Từ năm 2016, Cơ quan điều phối giao thông Pháp (ART) tiếp quản thêm cả đường bộ cao tốc, đến năm 2019 mở rộng sang lĩnh vực hàng không và từ năm 2020 quản lý tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong khu vực vùng đô thị Ile-de-France.

Trong công tác quản lý, Cơ quan điều phối giao thông Pháp (ART) đóng vai trò đảm bảo sự cạnh tranh minh bạch và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông. Đặc biệt, Pháp rất chú trọng việc người dân được tiếp cận các dịch vụ giao thông thuận tiện, an toàn và thông suốt.

Tăng cường hợp tác giao thông vận tải xứng tầm quan hệ Việt Nam-Pháp ảnh 5

Bộ trưởng Đặc trách về Giao thông của Pháp Patrice Vergriete trao đổi cùng đoàn công tác về những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải với Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY)

* Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đặc trách về Giao thông của Pháp Patrice Vergriete, ngoài ba lĩnh vực giao thông trên, hai bên cũng trao đổi thêm về những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực hàng hải.

Việt Nam và Pháp đã ký Hiệp định hàng hải vào ngày 23/5/2000. Hai bên cũng đã ký Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo Công ước quốc tế STCW, có hiệu lực từ ngày 18/3/2010.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao hãng tàu vận tải container lớn nhất của Pháp là CMA CGM trong việc cung cấp các dịch vụ vận tải biển chuyên tuyến quốc tế tại Việt Nam và hoàn toàn ủng hộ những kế hoạch của CMA CGM đưa thêm tàu cỡ lớn, mở thêm các tuyến vận tải trực tiếp tới Việt Nam.

Nhân dịp này, hai bên nhất trí phối hợp, rà soát lại các Hiệp định về hàng hải đã ký để tăng cường hợp tác hơn nữa cũng như bổ sung các lĩnh vực mới về công nghệ hàng hải, phát triển xanh, giảm phát thải, bảo vệ môi trường cho phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay ở hai nước.

Tăng cường hợp tác giao thông vận tải xứng tầm quan hệ Việt Nam-Pháp ảnh 6

Theo ông Patrice Vergriete, Việt Nam và Cộng hòa Pháp đã duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực giao thông vận tải trong thời gian qua. (Ảnh: MINH DUY)

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, Bộ trưởng Đặc trách về Giao thông của Pháp Patrice Vergriete cho biết, Việt Nam sở hữu những cảng biển quốc tế hoạt động hiệu quả và có khả năng đáp ứng mạnh mẽ được nhiều yêu cầu trong công tác vận tải hàng hải. Với nhiều Hiệp định và hoạt động hợp tác được triển khai tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực hàng hải mà còn trong cả hàng không, đường bộ và đường sắt, phía Pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm vì Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế lớn và đầy tiềm năng của Pháp.

Theo lời mời của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Đặc trách về Giao thông của Pháp Patrice Vergriete sẽ tới thăm và làm việc tại Việt Nam.