Đông đảo các nước tham gia Diễn đàn khẳng định tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng và phát triển nền văn hóa hòa bình, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác và đối thoại toàn cầu, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xóa bỏ bất công và mọi hình thức phân biệt đối xử, nhất là trong bối cảnh xung đột, căng thẳng địa chính trị và các cuộc khủng hoảng gia tăng.
Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, chung sống hòa bình và hòa hợp với các dân tộc. Chính sách đối ngoại của Việt Nam phản ánh sâu sắc khát vọng hòa bình, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Việc Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” cách đây 25 năm là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực và đóng góp của nhân dân Việt Nam cho hòa bình.
Đại sứ nêu rõ, là đối tác vì hòa bình bền vững, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện Chương trình hành động văn hóa hòa bình và đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Mới đây, Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, nhằm nâng cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định đối với các vấn đề hòa bình và an ninh.
Theo Đại sứ, thúc đẩy nền văn hóa hòa bình đồng nghĩa bảo đảm không đe dọa hay sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương Liên hợp quốc. Các nước cần tuân thủ nguyên tắc này, cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy nền văn hóa hòa bình.