Khai mạc hội nghị Ban lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương

NDO - Chiều 29/7, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ICA-AP) phối hợp Ủy ban Phụ nữ ICA-AP và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội nghị Ban lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn cầu cũng như khu vực hợp tác xã.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại hội nghị.
Bà Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Ban lãnh đạo ICA-AP trong thời gian qua đã có các sáng kiến, hoạt động ý nghĩa để kết nối các nước thành viên của ICA-AP và tạo ra các diễn đàn dành riêng cho nữ lãnh đạo hợp tác xã trong khu vực có dịp gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hay trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, cuộc họp ban lãnh đạo khu vực lần này có ý nghĩa rất quan trọng khi nội dung mà các nhà lãnh đạo tập trung thống nhất và đưa ra các quyết định về các vấn đề gồm báo cáo hoạt động của các Ủy ban, nhân sự tham gia Ban lãnh đạo, nhất là Kế hoạch chiến lược của ICA-AP giai đoạn 2025-2030.

“Trong bối cảnh vấn đề phát triển hợp tác xã là nội dung đang được quan tâm trong chương trình nghị sự của quốc tế và năm 2025 được chọn là Năm quốc tế Hợp tác xã, tôi hy vọng và tin tưởng rằng kế hoạch chiến lược với nhiều nội dung mới sẽ được thông qua và thực hiện trong thời gian sớm nhất”, bà Cao Xuân Thu Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Cao Xuân Thu Vân cũng nhấn mạnh việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ luôn đồng hành và là thành viên có trách nhiệm của ICA-AP, cùng với các nước thành viên tham gia đầy đủ và tích cực đối với các hoạt động của ICA-AP trong tương lai để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như vị thế của ICA-AP.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng có lợi giữa hợp tác xã các quốc gia, góp phần vào sự phát triển của phong trào hợp tác xã trong khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong hai ngày tới”, bà Cao Xuân Thu Vân cho hay.

Cũng theo Ban tổ chức, hội nghị Ban lãnh đạo ICA-AP được tổ chức định kỳ một năm hai lần để báo cáo về tình hình các tổ chức thành viên, hoạt động của các Ủy ban chuyên môn và cập nhật các hoạt động ICA-AP đang triển khai, tập trung vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc.

Khai mạc hội nghị Ban lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị.

Tại kỳ hội nghị lần này, các đại biểu sẽ được thảo luận các vấn đề như: báo cáo hoạt động của Ủy ban Phụ nữ, Ủy ban Thanh niên; báo cáo hoạt động của ICA-AP, báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thành viên và hội phí; kế hoạch hoạt động trong Dự án hợp tác giữa ICA-EU FPA2 và Đánh giá nhu cầu thành viên,…

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là thành viên của Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) từ năm 1988 và tích cực tham gia các hoạt động của ICA tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ICA-AP) trong hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam, thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng có lợi giữa khu vực hợp tác xã các quốc gia.

Qua sự kiện này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mong muốn góp phần quảng bá với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam nói chung, về khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là thành viên tích cực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng.

Được thành lập năm 1895, Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) là đại diện cho các hợp tác xã trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác xã. Hiện nay, trên toàn thế giới, khu vực hợp tác xã có khoảng 3.000.000 hợp tác xã và tổ chức tương hỗ, thu hút 1,2 tỷ thành viên, đại diện cho ít nhất 12% dân số thế giới, tổng doanh thu của 300 hợp tác xã hàng đầu trên thế giới năm 2022 là 2.400 tỷ USD. Các hợp tác xã tạo việc làm ổn định, chất lượng cao cho hơn 280 triệu người.