Việt Nam kêu gọi các nước thành viên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường việc thực thi và tính phổ quát của NPT; thực hiện một cách cân bằng, toàn diện cả ba trụ cột của NPT...
Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban trù bị Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2026 diễn ra từ ngày 22/7-2/8 tại Geneva.
Phiên họp được tổ chức nhằm xem xét các nguyên tắc và cách thức nhằm thúc đẩy việc thực thi đầy đủ cũng như tính phổ quát của NPT và đưa ra các khuyến nghị cho Hội nghị Kiểm điểm NPT dự kiến được tổ chức vào năm 2026 tại New York. Tham dự cuộc họp có các đoàn là đại diện các nước thành viên của NPT và các tổ chức quốc tế.
Đại diện Đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva Cung Đức Hân khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ chống phổ biến tiến tới giải trừ toàn diện và triệt để vũ khí hạt nhân.
Việt Nam đề cao vai trò then chốt của NPT trong nỗ lực giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Nêu một số đề xuất đóng góp tại cuộc họp, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường việc thực thi và tính phổ quát của NPT; thực hiện một cách cân bằng, toàn diện cả ba trụ cột của NPT và cần có tiến triển thực chất trong trụ cột giải trừ.
Việt Nam nhấn mạnh các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân, trong đó có việc thành lập các khu vực phi vũ khí hạt nhân; kêu gọi các cường quốc hạt nhân gia nhập Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Bên cạnh đề xuất các biện pháp thúc đẩy thực thi hiệu quả NPT, Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của điều ước quốc tế có liên quan về không phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân; kêu gọi các nước tham gia và phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và cùng thúc đẩy Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện sớm có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Phái đoàn Cung Đức Hân cũng thông tin về những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam về chống phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân, bảo đảm an ninh và an toàn hạt nhân thời gian qua; khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các nước thành viên tiếp tục có đóng góp tích cực tại cuộc họp để chuẩn bị hướng tới Hội nghị Kiểm điểm NPT vào năm 2026.