Iran dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân

Iran dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manouchehr Mottaki hôm nay cảnh báo rằng Iran sẽ xem xét lại chính sách của nước này về cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân nếu quyền phát triển công nghệ hạt nhân dân sự của Iran không được bảo đảm. 

Trả lời phỏng vấn phóng viên bên lề một hội nghị quốc tế khi được hỏi về khả năng Iran rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Mottaki nói: “Nếu chúng tôi thấy rằng chính sách hiện nay (về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân) không thể bảo vệ quyền của đất nước Iran, chúng tôi có thể xem xét lại và thay đổi nó”. 

Ông Mottaki đưa ra những lời bình luận này chỉ bốn ngày sau khi Ban lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đệ trình một bản báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để có thể áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran. 

Tuy nhiên ông Mottaki bày tỏ tin tưởng rằng vẫn có chỗ cho tất cả các bên liên quan đạt được thỏa thuận qua các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. 

Iran hôm nay cũng đã bác bỏ đề xuất của Nga đưa ra từ tháng 12 năm ngoái nhằm tháo ngòi nổ về vấn đề hạt nhân của Iran. Nga đã đề xuất  chuyển việc làm uranium của Iran sang lãnh thổ Nga nhằm cho phép việc giám sát của quốc tế đối với hoạt động hạt nhân của Iran được chặt chẽ hơn.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hamid-Reza Asefi tuyên bố trong cuộc họp báo hằng tuần rằng đề xuất của Nga về việc chuyển chương trình làm giàu uranium của Iran sang đất Nga không còn nằm trong chương trình nghị sự của Tehran nữa vì “tình hình đã thay đổi”. 

Ông Asefi nói: “Chúng tôi phải chờ đợi và xem diễn biến sắp tới trong năm nước có quyền phủ quyết ở Liên hợp quốc. Về việc làm giàu uranium quy mô công nghiệp, chúng tôi sẽ chờ đến 2-3 ngày tới”. 

Năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc đang xem xét các đề xuất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ quan có quyền cấm vận kinh tế và chính trị đối với Iran nếu nước này không tuân theo đề nghị của cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân.