Ðại sứ nhấn mạnh, Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế quốc tế về giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tại hội nghị, đoàn Việt Nam cùng các nước ASEAN và Phong trào Không liên kết (NAM) nêu các vấn đề được nhiều nước chia sẻ, như tăng cường giải trừ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy Hiệp ước về khu vực phi vũ khí hạt nhân tại Ðông - Nam Á (SEANWFZ), hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình...
* Trong bốn tuần làm việc, 191 nước thành viên NPT đã kiểm điểm việc thực hiện Chương trình hành động được thông qua tại hội nghị năm 2010, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực về an ninh và phát triển, trong đó có việc tái khẳng định cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo NPT về giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Một nội dung mới được thảo luận, đó là giải quyết hậu quả của vũ khí hạt nhân về khía cạnh nhân đạo. 159 nước phát biểu, kêu gọi nhanh chóng tiến tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Các nước thành viên NAM đề nghị khởi động đàm phán về công ước vũ khí hạt nhân...
* Do các nước còn có quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị, trong đó có nội dung liên quan thành lập khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Trung Ðông, nên hội nghị đã không thông qua được văn kiện cuối cùng. Mỹ, Anh và Ca-na-đa phản đối đề xuất của khối A-rập, đi đầu là Ai Cập, đặt hạn chót ngày 2-3-2016 để triệu tập hội nghị quốc tế bàn về cấm vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Ðông. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu ngày 23-5 gửi lời cảm ơn Chính quyền Mỹ, vì đã ngăn chặn nỗ lực của Ai Cập nhằm cấm vũ khí hạt nhân tại Trung Ðông.