Bày tỏ vui mừng gặp lại bà Manuela V. Ferro và hoan nghênh bà cùng các đồng nghiệp thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới đã tin tưởng đặt Văn phòng khu vực Ngân hàng Thế giới của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hà Nội; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Văn phòng khu vực Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới, mong muốn được đón Chủ tịch Ngân hàng Thế giới sớm thăm Việt Nam.
Thủ tướng vui mừng trước quan hệ Việt Nam-Ngân hàng Thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, bày tỏ trân trọng sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam những năm qua với tổng nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD.
Theo Thủ tướng, Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác Việt Nam-Ngân hàng Thế giới; mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...
Chúc mừng bà Mariam J. Sherman trên cương vị Giám đốc Quốc gia Văn phòng Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với bề dày kinh nghiệm của mình, bà sẽ có nhiệm kỳ thành công tốt đẹp tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (Ngân hàng Thế giới). |
Thông báo những nét lớn về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, Thủ tướng mong Ngân hàng Thế giới trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách... nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Hoan nghênh đề xuất của Ngân hàng Thế giới về việc cho Việt Nam vay khoảng hơn 11 tỷ USD trong 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục rà soát, đổi mới tư duy, cách làm, tái cơ cấu quản trị trong triển khai các dự án, do một Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát tiến độ dự án hằng tháng, hằng quý để hoàn thành dứt điểm, tránh kéo dài, mang lại sản phẩm cụ thể, hiệu quả cao. Cùng với đó, tập trung nguồn vốn này cho một số dự án lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm như chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long, các dự án hạ tầng quy mô lớn, bền vững, có tác dụng lan tỏa, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, như dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc, đường sắt tốc độ cao Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ; các dự án năng lượng sạch.
Theo Thủ tướng, việc tập trung nguồn vốn cho một số dự án lớn mang tính chất chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế sẽ vừa giúp phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn, vừa giúp không mất nhiều thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục. Thủ tướng cũng cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới, mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu; triển khai hiệu quả dự án "Tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo" (REACH)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành trao đổi, làm rõ với Ngân hàng Thế giới về những khác biệt chính sách và đề xuất giải pháp giải quyết, tạo thuận lợi cho quá trình chuẩn bị, đàm phán, triển khai các dự án; tiếp tục thực hiện rà soát về thể chế, chính sách, quy trình thủ tục về ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Vừa qua, Việt Nam đã rất tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thông qua việc xây dựng, ban hành các luật mới, trong đó có Luật Đất đai; đồng thời giải phóng mặt bằng cho các dự án nhanh hơn với cách làm mới, việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, vận động người dân tích cực tham gia và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Quang cảnh buổi tiếp. |
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Manuela V. Ferro bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ vào cơ hội hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới thời gian qua, đặc biệt là hoạt động của Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đứng đầu.
Bà đánh giá Việt Nam đã đi được một quãng đường dài trên con đường phát triển, đạt những kết quả rất ấn tượng với quyết tâm, sức mạnh và nỗ lực của tất cả mọi người dân. Ngân hàng Thế giới cam kết và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, đồng hành với Việt Nam trên hành trình phát triển tiếp theo, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, "thành công của Việt Nam cũng là thành công của Ngân hàng Thế giới"; đồng thời góp phần đẩy mạnh kết nối Việt Nam và các nước trong khu vực, trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp hơn.
Rất tán thành với các ý kiến của Thủ tướng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân hàng Thế giới mong sớm nhận được đề xuất chính thức của các cơ quan phía Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai các dự án cụ thể bảo đảm tiến độ và hiệu quả. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng rất mong được sớm tới thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp.
Cũng tại cuộc gặp, hai bên thống nhất phối hợp xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam-Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2025-2029, xác định định hướng hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới, nhất là khả năng huy động và nguồn lực hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với danh mục tài trợ cho Việt Nam; sớm thống nhất nội dung Khung đối tác quốc gia trình lãnh đạo hai bên thông qua.