Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi cho rằng, các nước thu nhập trung bình (MICs) có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trên toàn cầu, nhưng hiện phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ kêu gọi cùng thảo luận tìm giải pháp để giãn nợ, tận dụng các cơ chế tài chính hiện có để MICs giải quyết các thách thức.
Chủ tịch Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ Lacheva Stocheva nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn diện trong hỗ trợ MICs, thông qua hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật và công nghệ, thúc đẩy xây dựng chỉ số bổ sung cho cách tính GDP và chỉ số về dễ bị tổn thương đa chiều (MVI); tạo điều kiện cho các nước này tiếp cận tài chính ưu đãi.
Chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, hòa bình, ổn định là cơ sở quan trọng cho phát triển bền vững ở các nước thu nhập trung bình.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang
Nhiều nước nêu các khó khăn, thách thức đặc thù mà MICs phải đối mặt và nhấn mạnh rất cần sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật từ các cơ quan LHQ, các đối tác phát triển, các thể chế tài chính quốc tế. Các nước cũng chia sẻ những bài học, kinh nghiệm trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đánh giá vai trò của hệ thống phát triển LHQ trong hỗ trợ các nước thu nhập trung bình.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, hòa bình, ổn định là cơ sở quan trọng cho phát triển bền vững ở các nước thu nhập trung bình.
Để giải quyết các thách thức, các nước thu nhập trung bình cần tăng cường khả năng chống chịu và huy động nguồn lực trong nước hiệu quả để phát triển, tận dụng thế mạnh của khoa học, công nghệ và đổi mới để phát triển xanh, bền vững và thông minh. Hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu và nỗ lực quốc gia.
Đại diện Việt Nam kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước thu nhập trung bình. Ngược lại, các nước thu nhập trung bình cần tăng cường hợp tác, đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cơ chế hợp tác hiện có giữa các nước thu nhập trung bình và với các nước phát triển.
Nhân dịp này, Đại sứ thông báo các nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như việc gần đây đã thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng.