Phiên họp có sự tham gia của 58 thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO, trong đó có Việt Nam.
Đây là cuộc họp đặc biệt lần thứ bảy trong suốt 75 năm hoạt động của UNESCO cho đến nay, được tổ chức theo yêu cầu của 19 thành viên hội đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO bày tỏ lo ngại của Việt Nam về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine.
Theo Đại sứ, vấn đề cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất cho dân thường, nhất là trẻ em, thanh niên, sinh viên, giáo viên, nghệ sĩ, các nhà khoa học, nhà báo.
Đại sứ cũng nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở dân sự như trường học, các khu tưởng niệm, các công trình văn hóa, thông tin truyền thông theo luật nhân đạo quốc tế. Đặc biệt cũng cần bảo vệ các di sản văn hóa dưới mọi hình thức để bảo tồn cho các thế hệ mai sau.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh, những bài học của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng như chính lịch sử của dân tộc Việt Nam đã chỉ ra rằng, bảo đảm luật pháp quốc tế, tăng cường đoàn kết, hợp tác và tin cậy lẫn nhau có ý nghĩa then chốt cho duy trì hòa bình và ổn định trên khắp thế giới.
Cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Là 1 đất nước đã bị tàn phá qua hàng thập kỷ chiến tranh, Việt Nam hơn ai hết hiểu rõ rằng chiến tranh và xung đột chỉ đem lại đau thương, mất mát cho người dân và để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến mọi mặt của đời sống của những quốc gia liên quan trực tiếp cũng như các quốc gia khác.
Trên tinh thần này, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan tâm của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên, gia tăng các nỗ lực viện trợ nhân đạo cho dân thường. Chúng tôi cho rằng cần bảo đảm an toàn, an ninh và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả các công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraine, bao gồm cả những người Việt Nam tại đây, không phân biệt đối xử về nguồn gốc, chủng tộc, quốc tịch hay tộc người".
Nhân dịp này, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân đánh giá cao vai trò quan trọng của UNESCO, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có như đại dịch toàn cầu, sự bất bình đẳng, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền và biến đổi khí hậu.
Đại sứ đề nghị UNESCO phát huy vai trò gắn kết và thúc đẩy các nỗ lực mang tính nhân văn, thúc đẩy “đoàn kết trí tuệ và đạo đức của nhân loại” xây dựng 1 thế giới hòa bình, bền vững và tự cường.
Theo báo cáo của UNESCO, xung đột tại Ukraine đã dẫn đến việc đóng cửa trường học và các cơ sở giáo dục, ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học từ 3 đến 17 tuổi và hơn 1,5 triệu sinh viên đại học.
Tình hình nhân đạo đang ngày càng xấu đi ở Ukraine với số lượng người sơ tán ngày càng tăng, bao gồm cả trẻ em, người cao tuổi.
Trong lĩnh vực văn hóa, xung đột đã đe dọa trực tiếp các di sản văn hóa của Ukraine. Nhiều di sản đã bị phá hủy, hư hại, hoặc bị đe dọa, việc bảo vệ và sơ tán hàng loạt các vật thể văn hóa vô giá ở các bảo tàng và địa điểm văn hóa Ukraine cũng đối mặt nhiều nguy cơ.
Kết thúc phiên họp đặc biệt lần thứ bảy, Hội đồng chấp hành UNESCO đã ra nghị quyết, trong đó kêu gọi các bên ngừng chiến.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng kêu gọi các nước thành viên và UNESCO triển khai chương trình viện trợ khẩn cấp để giúp Ukraine bằng tất cả các công cụ có sẵn trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, truyền thông và thông tin.
Trừ 4 thành viên vắng mặt lúc bỏ phiếu, nghị quyết đã được thông qua với 54/58 thành viên, trong đó có 33 phiếu thuận, 20 phiếu trắng (bao gồm Việt Nam) và 1 phiếu chống là Liên bang Nga.