Việt Nam duy trì sức hút với các nhà đầu tư Pháp

NDO - Ngày 4/4, tại tọa đàm doanh nghiệp ở Paris, các doanh nghiệp và nhà tư vấn Pháp nhận định, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triể. Cùng với vai trò, vị thế không ngừng nâng cao, sự ổn định về chính trị, an ninh và chính sách đầu tư nước ngoài hấp dẫn của Việt Nam là những điểm sáng để duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp xúc tiến đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp xúc tiến đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Với chủ đề “Thế mạnh của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cơ hội nào cho các doanh nghiệp Pháp", tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Pháp có kế hoạch đầu tư ở nước ngoài cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp Pháp hoạt động hiệu quả ở Việt Nam.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm tại Công ty tư vấn kinh doanh quốc tế (SALVEO) thuộc Tập đoàn quảng bá công nghệ thông tin và phát triển thị trường quốc tế của Pháp (ADIT), Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng, đây là một hoạt động để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, dấu mốc rất quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục nhanh sau đại dịch Covid-19.

Năm 2023 được dự báo là năm có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam do tác động từ triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với nhiều tín hiệu tích cực cùng sự nỗ lực chuẩn bị từ trước, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng giữ đà tăng trưởng tốt so với các nền kinh tế khu vực, toàn cầu.

Tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do, Việt Nam là một phần của mạng lưới kinh tế khu vực và liên vùng rộng lớn, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào tháng 8/2020.

Việt Nam còn có nhiều lợi thế và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài như ngoại thương năng động, chính sách tiền tệ hiệu quả và tiêu dùng nội địa mở rộng.

Pháp là một trong những đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam trong một thời gian rất dài. Hợp tác kinh tế là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất trong quan hệ song phương và là trụ cột thứ hai của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, trong chuyến thăm chính thức Pháp vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước kết nối, giao lưu và thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28/2 đến 2/3/2023, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Thu hút kinh tế và người Pháp ở nước ngoài Olivier Becht cũng khẳng định rằng tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn.

Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh như hạ tầng giao thông đô thị, y tế, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, hàng không, chính phủ điện tử…

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra 3 ưu tiên trong hợp tác kinh tế quốc tế và tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài, đó là thúc đẩy mọi hợp tác và đầu tư nhằm phát triển bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của nền kinh tế Việt Nam vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu và thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Do vậy, hiện có rất nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư Pháp.

Việt Nam duy trì sức hút với các nhà đầu tư Pháp ảnh 1

Doanh nhân người Pháp Jean-Philippe Eglinger chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại cuộc tọa đàm, ông Jean-Philippe Eglinger, một doanh nhân Pháp nhiều năm làm ăn tại Việt Nam, nêu bật những lý do để Việt Nam duy trì sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài như vị trí thuận lợi, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài, chi phí lao động thấp, môi trường chính trị và an ninh ổn định cùng với hiệu ứng tích cực từ các hiệp định thương mại tự do.

Việt Nam được coi là một trung tâm sản xuất chủ chốt và đang phát triển nhanh. Ông nhận định rằng vị thế của Việt Nam là một "trung tâm sản xuất đang lên" sẽ ngày càng được củng cố, tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, thống kê năm 2022 cho thấy, thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.

Do vậy, ông Jean-Philippe Eglinger cho rằng các doanh nghiệp Pháp cần nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam, tích cực tìm hiểu các cơ hội đầu tư ở các địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Việt Nam duy trì sức hút với các nhà đầu tư Pháp ảnh 2

Ông Tristan Cotte, Giám đốc phụ trách phát triển doanh nghiệp của SALVEO, đánh giá cao những tiềm năng kinh doanh của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ông Tristan Cotte, Giám đốc phụ trách phát triển doanh nghiệp của SALVEO cho biết: Các doanh nghiệp của Pháp đang tìm kiếm một sự ổn định và an toàn để có thể an tâm đầu tư dài hạn, và Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá về sự ổn định, cụ thể là những điều mà Việt Nam đã làm được khi vượt qua đại dịch và phục hồi.

Các doanh nghiệp, đối tác thương mại, đối tác kỹ thuật của Pháp tập trung sự quan tâm của họ tới thị trường Việt Nam bằng cách tích cực xúc tiến các dự án, trước mắt là những cuộc gặp gỡ, trao đổi.

Các nhà doanh nghiệp Pháp tham dự tọa đàm có chung nhận định rằng sự phục hồi nhanh chóng của mọi hoạt động sau đại dịch Covid-19 là một yếu tố giúp cho Việt Nam trở nên nổi bật hơn.

Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để thu hút sự quan tâm của thế giới. Pháp và Việt Nam có sự gần gũi nhiều thập kỷ qua, là cơ sở để mở rộng các liên kết và hợp tác kinh tế.