Tiếp tục trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, ngày 1/4, tại thành phố Montpellier đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Quá khứ, hiện tại và tương lai của quan hệ hợp tác Pháp-Việt” với sự tham gia của đông đảo giới nghiên cứu Việt Nam và Pháp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, hai nước có mối quan hệ với bề dày truyền thống và những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Pháp là một trong những quốc gia của Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi ký kết Hiệp định Paris vào đầu năm 1973. Từ đó trở đi, Pháp là một trong những đối tác đầu tiên của Việt Nam tại châu Âu, cũng như trên toàn thế giới.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, quan hệ hữu nghị và hợp tác với Pháp có một vai trò quan trọng và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến sâu rộng và ngày càng phát triển toàn diện, là cơ sở quan trọng trở thành đối tác chiến lược từ năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác với Pháp có một vai trò quan trọng và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng
Trong bài tham luận “Quan hệ chính trị-chiến lược giữa Việt Nam và Pháp trong địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Như Thành (Học viện Ngoại giao Việt Nam) nhấn mạnh, kể từ Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại.
Pháp là một trong số ít nước đứng ra giúp đỡ Việt Nam trong hoàn cảnh bị bao vây, cấm vận. Pháp đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ nhất tại Versailles năm 1986 và hỗ trợ Việt Nam mọi mặt trong công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ VII tại Hà Nội năm 1997.
Việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội đã nâng cao đáng kể uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, là kinh nghiệm để Việt Nam tiếp tục đăng cai các sự kiện đa phương khác như ASEAN, APEC hay Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào năm 2019.
Từ những năm 2010, Việt Nam đã thể hiện mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trúng cử nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 tái khẳng định lập trường hòa bình, nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, trong giải quyết xung đột với các nước.
Trong vấn đề kinh tế-thương mại, hoạt động giao thương giữa hai nước đã tăng hơn gấp ba lần trong vòng 10 năm, từ 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD năm 2019. Theo Tiến sĩ Jean-Philippe Eglinger (Giảng viên Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông quốc gia Pháp - INALCO), kể từ khi thực hiện cải cách đổi mới nền kinh tế, Việt Nam luôn đạt được mức tăng trưởng dương. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đầy khó khăn và thách thức, khi các quốc gia phải chật vật để vượt qua những khó khăn, thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng thật ấn tượng.
Năm 2022, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng phục hồi lên đến 8% và vẫn là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tiềm năng nhất trong dài hạn. Kinh tế Việt Nam lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.
Tiến sĩ Jean-Philippe Eglinger nhận định: “Chúng ta có thể quan sát được kể từ năm 1992 đến nay, các hoạt động kinh tế và thương mại của Việt Nam luôn tạo được ấn tượng với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để phục hồi sau những khó khăn nhằm tạo ra một cú hích lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu".
Tiến sĩ Jean-Philippe Eglinger, Giảng viên Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông quốc gia Pháp (INALCO). |
Giáo dục cũng là chủ đề mà các chuyên gia Việt Nam và Pháp đặc biệt quan tâm. Là quốc gia có dân số trẻ với sự phát triển năng động và mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ trở lại đây, Việt Nam hiện đang có khoảng 40.000 học sinh, sinh viên đang theo học tiếng Pháp.
Theo bà Đàm Minh Thủy (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), ngoài giảng dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông, tiếng Pháp chiếm một vị trí quan trọng trong 5 trường đại học đào tạo ngoại ngữ và trong các cơ sở giáo dục đại học có giảng dạy tiếng Pháp chuyên ngành trong nhiều lĩnh vực như khoa học xã hội và nhân văn, tự nhiên và kỹ thuật, thương mại, kinh tế, tài chính, du lịch, y học, luật, tin học, vật lý, hóa học, sinh học…
Đó cũng là lý do nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục phổ thông cũng như đại học là trụ cột quan trọng trong chính sách giáo dục của Việt Nam. Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên, khuyến khích học tập tại các lớp hệ song ngữ, trao đổi giáo viên bản địa cũng như tiếp cận nguồn lực sư phạm chất lượng cao là những hoạt động hợp tác giáo dục nổi bật trong thời gian qua giữa hai nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia Pháp và Việt Nam cũng đánh giá cao những triển vọng của hai nước trong việc triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển xanh và bền vững, tăng trưởng carbon thấp, nền kinh tế tuần hoàn và các cam kết khác trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.