Đây là hội nghị huyết học có quy mô với sự tham gia của hơn 750 chuyên gia y tế trong nước và ngoài nước đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Đài Loan…
Nhiều vấn đề cốt yếu liên quan về lĩnh vực huyết học, tế bào gốc được các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày tại hội nghị gồm: Bệnh lý huyết học; Truyền máu; Ghép tế bào gốc tạo máu; Quản lý chất lượng; Điều dưỡng; Xét nghiệm về Huyết học; Giải phẫu bệnh; Sàng lọc máu; Vi sinh...
Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc xuất hiện sớm nhất là trong lĩnh vực huyết học – truyền máu. Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.
Ngay từ năm 1995, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên tại Việt Nam - Đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động ghép tế bào gốc máu ngoại vi, tế bào gốc máu cuống rốn trên phạm vi cả nước như hiện nay. Đến nay, Việt Nam có chín trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu. Số lượng các ca bệnh được tiến hành ghép tại các trung tâm không ngừng được tăng lên, đặc biệt từ năm 2006 đến nay. Riêng bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã thực hiện ghép 185 trên tổng số 445 ca của cả nước.
Thành công của phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu mang một ý nghĩa xã hội to lớn là đã giúp cho nhiều gia đình có người thân mắc bệnh máu nan y trở thành người thật sự khỏe mạnh, có đời sống sinh hoạt bình thường, vẫn có thể tham gia lao động, cống hiến cho xã hội. Trong lĩnh vực Huyết học – Truyền máu, theo đánh giá của Bộ Y tế, ngành Truyền máu – Huyết học của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng được những kỹ thuật mới như tế bào gốc, giúp điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh về máu và có liên quan... một số lĩnh vực đã tiếp cận với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế .
Theo BSCK2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh, hiện Việt Nam đang thiếu trầm trọng ngân hàng tế bào gốc tạo máu trong khi chi phí ghép và điều trị khá cao so với thu nhập bình quân của người Việt. Theo đó, chi phí tự ghép hơn 10.000 USD/ca; dị ghép 20.000 USD/ca và Haplo từ 30.000-40.000 USD/ca. “Chi phí này rất thấp bằng 1/10 Sigapore nhưng đối với người Việt Nam thì lại quá cao trong khi bảo hiểm chi trả rất ít. Việt Nam hiện chưa có cơ sở nào hiện đại xứng tầm và thiếu cả trang thiết bị và nguồn thuốc. Về lâu về dài Việt Nam cần xây dựng một đến hai trung tâm chuyên sâu”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị diễn ra đến hết ngày 22-8.