Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy những bước tiến tốt đẹp của quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao; trao đổi thương mại song phương duy trì đà tăng trưởng nhanh, đạt gần 1,3 tỷ USD năm 2022 trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức.
Cho rằng hai nước còn nhiều dư địa để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, hai Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa của nhau, trong đó có hàng nông sản và hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD trong năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với New Zealand. Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Toàn quyền New Zealand Dame Cindy Kiro; đồng thời, khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp New Zealand đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực New Zealand có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu lớn như giáo dục-đào tạo, công nghệ chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng; đề nghị New Zealand hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại New Zealand.
Quang cảnh cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins chúc mừng thành tựu của Việt Nam trong phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời bày tỏ đồng tình với các ý tưởng, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhất là thúc đẩy hợp tác song phương với kinh tế-thương mại là trọng tâm, cũng như tăng cường phối hợp giữa hai bên tại các diễn đàn đa phương.
Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh ủng hộ tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.