Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển và sáng tạo các loại vaccine thú y

NDO - Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang bùng nổ cả về quy mô và số lượng, việc phòng ngừa dịch bệnh thông qua vaccine không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm sử dụng kháng sinh, đồng thời, ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh - một vấn đề cấp bách của ngành y tế và thú y toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại.
Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại.

Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”, tổ chức sáng 28/12, tại Hà Nội.

Việt Nam chủ động trong nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), thông tin, hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO. Trong đó, 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy. Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đạt an toàn sinh học cấp độ II trở lên, trong đó có 2 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III; tổng ngành thú y có 7 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.

Theo ông Thắng, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y của Việt Nam không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ với các nước hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Mỹ... với những công nghệ tiến nhất. Hiện nay, cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vaccine và 340 loại vaccine nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước.

Về tình hình sản xuất, nhập khẩu một số vaccine quan trọng năm 2024: vaccine phòng bệnh cúm gia cầm 739 triệu liều; vaccine phòng bệnh lở mồm long móng hơn 46 triệu liều; vaccine phòng bệnh dại hơn 5 triệu liều; vaccine phòng bệnh tai xanh hơn 34 triệu liều (sản xuất 3,5 triệu liều; nhập khẩu 31 triệu liều); vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục gần 2 triệu liều. Riêng vaccine dịch tả lợn châu Phi, đến nay các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 5,9 triệu liều.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển và sáng tạo các loại vaccine thú y ảnh 1

Năm 2024 tiến hành kiểm tra 714 mẫu vaccine, 100% các mẫu vaccine kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Về kết quả kiểm tra Nhà nước về vaccine thú y nhập khẩu: năm 2024 tiến hành kiểm tra 714 mẫu vaccine, 100% các mẫu vaccine kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đăng Đại, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên), cho biết, Hưng Yên là nơi đầu tiên phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Trong quá trình phòng, chống dịch, tỉnh đã kết hợp nhiều biện pháp để dập dịch.

Hiện Hưng Yên áp dụng 8 loại vaccine phòng, chống dịch, chia làm 2 giai đoạn trong năm, trên tổng thời gian 6 tháng. “Với những loại vaccine được đấu thầu, sử dụng vaccine là rất tốt”, ông Đại chia sẻ.

Ngoài dịch tả lợn châu Phi, các bệnh khác như tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm,… Hưng Yên đều kiểm soát và phòng, chống hiệu quả. Kể cả những ổ dịch nhỏ lẻ xuất hiện thời gian gần đây, địa phương cũng kịp thời phát hiện để ngăn ngừa, dập ổ dịch.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng: Hiện nay dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã vẫn gia tăng từng ngày.

“Việt Nam có đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng”, ông Long chia sẻ.

Cập nhật về tình hình dịch bệnh và công tác tiêm phòng vaccine, ông Nguyễn Văn Long cho biết, cúm gia cầm năm nay đã có 16 ổ dịch, giảm 30% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu.

Về bệnh dại, Việt Nam ghi nhận 887 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 10 năm qua, riêng ba tháng đầu năm nay, 27 người chết vì dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổn thất kinh tế do bệnh dại gây ra đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý đàn chó chưa tốt và việc kiểm soát bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại hiện nay mới chỉ đạt 60%.

Bệnh lở mồm long móng, một trong những bệnh nguy hiểm đối với chăn nuôi gia súc, đang có xu hướng gia tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh này hiện nay đã tăng gấp ba lần so với trước đây.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển và sáng tạo các loại vaccine thú y ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ tại Diễn đàn.

Bệnh viêm da nổi cục trên gia súc chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêm phòng, chỉ đạt 47% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua, nhưng số lượng vaccine vẫn còn hạn chế, gây lo ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.

Khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vaccine trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác. Cục trưởng Cục Thú y cho rằng đã có sự phát triển đáng kể trong hợp tác khoa học công nghệ và công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam đã tiếp cận trình độ thế giới.

Cục trưởng Cục Thú y khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ông cũng khẳng định, việc sử dụng vaccine là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại và đàn vật nuôi phải được thực hiện một cách chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt. Vaccine là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Sử dụng vaccine không chỉ giúp giảm bệnh truyền nhiễm mà còn bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn cho vật nuôi.

Theo bà Thủy, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu 1 thành tựu lớn được cả thế giới công nhận.

“Trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại”, bà Thủy khẳng định.