Giáo sư Soumitra Dutta, Đại học Oxford.
Giáo sư Soumitra Dutta, Đại học Oxford.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để tăng chỉ số Đổi mới toàn cầu

NDO - Giáo sư Soumitra Dutta, Đại học Oxford, Anh quốc, “cha đẻ” của chỉ số Đổi mới toàn cầu và Chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng, thành viên mới Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho rằng, Việt Nam đang ở trong một vị thế may mắn về địa chính trị, có đội ngũ nhân tài đông đảo với tinh thần làm việc sẵn sàng để có được sự thăng hạng chỉ số đổi mới toàn cầu và chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng.

Bên lề tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh”, Giáo sư Soumitra Dutta, Đại học Oxford đã có chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về phát triển giao thông xanh tại Việt Nam và những kinh nghiệm để Việt Nam tăng chỉ số Đổi mới toàn cầu và chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng.

Việt Nam có sự thuận lợi về lựa chọn phát triển giao thông xanh

Phóng viên: Là chủ toạ Phiên tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh”, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển hạ tầng bền vững và giao thông xanh trên thế giới, trong đó có Việt Nam, với những nỗ lực của chính phủ cũng như là các công ty, trong đó có VinFast?

Giáo sư Dutta: Bền vững là một trong những thách thức cũng như là cơ hội lớn nhất cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Bền vững và khí hậu bây giờ không còn ranh giới - giới hạn biên giới, nó là thách thức chung của toàn cầu và các quốc gia như Việt Nam, có cơ hội để tạo ra một hạ tầng mới, các cơ chế mới cho các dịch vụ cơ bản như là giao thông sẵn sàng cho tương lai.

Nếu ta nhìn vào các nền kinh tế phát triển thì họ sẽ gặp khó khăn nhiều, bởi vì hạ tầng của họ đã phát triển mà hạ tầng đó lại chưa được thiết kế ban đầu ngay để phục vụ cho mục tiêu gọi là giao thông xanh.

Đối với quốc gia như Việt Nam thì chúng ta thấy có nhu cầu cần phải tạo ra hạ tầng mới và hạ tầng mới này chúng ta tạo ra ngay từ ngày đầu, tức là sẵn sàng cho giao thông xanh. Thế thì Việt Nam có sự thuận lợi về lựa chọn phát triển cho tương lai như là một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác học kinh nghiệm.

Trường hợp như VinFast và công ty khác có thể là những ví dụ điển hình trong việc dẫn dắt, chủ động trong việc thúc đẩy đổi mới vì mục tiêu bền vững. Nó là cơ hội cho các doanh nghiệp ở tại Việt Nam cũng như là cả đất nước Việt Nam.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để tăng chỉ số Đổi mới toàn cầu ảnh 1

Giáo sư Dutta nhấn mạnh Việt Nam đang ở trong một vị thế rất may mắn để phát triển các chỉ số Đổi mới toàn cầu.

Phóng viên: Tại COP28 người ta đã bàn thảo về nguồn lực dành cho giảm phát thải CO2 như thế nào từ giao thông xanh?

Giáo sư Dutta: Chúng ta nhìn vào việc phát thải thì hầu hết lượng phát thải đều đến từ giao thông, dùng năng lượng hóa thạch. Tại COP28 thì chúng ta nhìn thấy các quốc gia đều mong muốn giảm phát thải từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Đến 80% nguồn năng lượng của các quốc gia, các nền kinh tế hiện nay trên thế giới vẫn đang dùng năng lượng hóa thạch. Vì vậy, để có thể phát triển một nền kinh tế giảm phát thải trong tương lai thì cần chú trọng tới việc giảm phát thải từ giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Vì thế, chúng ta sẽ cần phải tạo ra một mô hình các module về sử dụng năng lượng mới, phân bổ năng lượng mới và tiêu dùng mới.

Nó có thể bắt đầu từ việc đầu tư của các doanh nghiệp để tạo ra các mô hình tiêu dùng và phân bổ năng lượng. Các quốc gia như Việt Nam có thể đưa ra những định hướng này. Bởi vì Việt Nam có nguồn tài nguyên rất giàu có, có thể sử dụng lợi thế này của Việt Nam nhưng mà đồng thời lại cần phải có các nguồn năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo cho tương lai nhiều hơn.

Các bạn cần không ngừng đầu tư vào công nghệ

Phóng viên: Giáo sư lời khuyên nào cho cải tiến công nghệ ở Việt Nam?

Giáo sư Dutta: Lời khuyên của tôi là các bạn phải đầu tư và không ngừng đầu tư vào công nghệ vì công nghệ đang phát triển rất nhanh chóng. Và khi nghĩ về đổi mới sáng tạo và công nghệ thì chúng ta có thể nghĩ tới hai loại đổi mới sáng tạo.

Một là đổi mới được phát sinh từ nhu cầu thị trường, nghĩa là nhu cầu thị trường cho thấy có một nhu cầu nào đó cần phải giải quyết thì chúng ta có thể sử dụng công nghệ hiện tại để giải quyết nhu cầu đó. Điều này đang diễn ra ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển. Chúng ta sử dụng công nghệ hiện hữu đang có để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hiện nay.

Nhưng điểm quan trọng hơn là việc tạo ra một công nghệ mới. Vì tạo ra công nghệ mới này mở ra toàn bộ một lĩnh vực mới cho nền kinh tế. Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Và điều này đòi hỏi cam kết rất mạnh mẽ từ Chính phủ để đầu tư vào nguồn lực con người có chất lượng.

Tôi nghĩ là Việt Nam phải làm cả hai khía cạnh. Một là sử dụng công nghệ hiện hữu để đáp ứng nhu cầu hiện hữu của thị trường và quan trọng hơn là đầu tư vào nghiên cứu phát triển và công nghệ mới, tạo ra nhu cầu mới và sản phẩm mới cho tương lai.

Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Và điều này đòi hỏi cam kết rất mạnh mẽ từ Chính phủ để đầu tư vào nguồn lực con người có chất lượng.

Giáo sư Dutta

Phóng viên: Với kinh nghiệm của mình thì ông có chia sẻ gì để đẩy mạnh các chỉ số Đổi mới toàn cầu; chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng ở Việt Nam?

Giáo sư Dutta: Nếu người ta nhìn nhận vấn đề tương lai ở trên thì hầu hết các nền kinh tế về đổi mới sáng tạo vô cùng quan trọng. Hiện nay chúng ta thấy làn sóng thứ hai của cách mạng công nghiệp và đòi hỏi các quốc gia cần phải đầu tư vào việc thúc đẩy các công nghệ mới.

Chỉ số Đổi mới toàn cầu và chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng vô cùng quan trọng để giúp các quốc gia có thể hiểu được thế mạnh và những điểm còn yếu của nền kinh tế quốc gia mình trong việc sẵn sàng cho tương lai.

Phóng viên: Theo Giáo sư, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ những quốc gia khác và có thể làm gì để thúc đẩy cả hai chỉ số này?

Giáo sư Dutta: Việt Nam đang ở trong một vị thế rất là may mắn. Một mặt là Việt Nam có một đội ngũ nhân tài rất đông đảo, mạnh mẽ, tinh thần sẵn sàng làm việc. Các bạn cũng có một đội ngũ lãnh đạo rất khao khát và sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực phát triển công nghệ.

Việc thành lập Đại học VinUni hay là Giải thưởng VinFuture như là những ví dụ điển hình cho việc khích lệ giới trẻ và các nhà khoa học của Việt Nam trong việc đầu tư nhiều hơn vào tương lai.

Vị thế địa chính trị của Việt Nam cũng giúp Việt Nam rất nhiều. Các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đang ngày càng tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam.

Đối với các ngành công nghiệp, Chính phủ cần phải tạo ra những điều kiện cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài để đầu tư vào nguồn lực sản xuất trong nước và đặc biệt là sự sẵn sàng phát triển, đổi mới và đầu tư nhiều hơn vào một xã hội tương lai của Việt Nam.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để tăng chỉ số Đổi mới toàn cầu ảnh 2

Giáo sư Dutta.

An toàn thông tin là thách thức với mọi quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ

Phóng viên: Làm cách nào để cân bằng giữa đổi mới công nghệ và bảo đảm an toàn công nghệ, an toàn thông tin và đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại?

Giáo sư Dutta: Như chúng ta cũng đã thấy thế giới hiện nay ngày càng kết nối nhiều hơn so với trước đây và rõ ràng tính phức tạp của công nghệ mà chúng ta đang trải qua hiện nay trong một thế giới ngày càng kết nối cao.

Và tôi nghĩ nó sẽ là thách thức cho tất cả các quốc gia để bảo vệ chính mình một cách an toàn trong kỷ nguyên mà công nghệ mới nổi ngày càng tăng lên. Nó đòi hỏi nhiều hành động, bao gồm từ Chính phủ, đưa ra những quy định, nguyên tắc phù hợp cùng với cả nỗ lực của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng phù hợp. Nó cũng đòi hỏi đầu tư vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là thế hệ trẻ về việc sử dụng công nghệ sao cho hiệu quả

Xây dựng một xã hội an toàn công nghệ không dễ dàng. Chúng ta có thể thấy những ví dụ rất nhiều về việc rò rỉ thông tin, nó xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Thông tin và cách thức sử dụng thông tin và chia sẻ thông tin nếu như không theo một chuẩn mực đạo đức thì nó sẽ trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội.

Nó còn liên quan đến quyền riêng tư cá nhân cũng như là sức khỏe tinh thần, đặc biệt là của giới trẻ. Chúng ta có thể thấy rất nhiều tình trạng bắt nạt trên mạng xảy ra và ảnh hưởng đến giới trẻ và nó ảnh hưởng rất lâu dài đến sức khỏe của trẻ em cũng như là của người dân.

Phóng viên: Là “cha đẻ” của chỉ số Đổi mới toàn cầu và Chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng, theo Giáo sư vai trò của 2 chỉ số đấy đối với các quốc gia ngày nay ra sao, làm cách nào để tăng vị thế, tăng xếp hạng quốc gia xét về chỉ số này, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam?

Giáo sư Dutta: Cả hai cái chỉ số này đều rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển cũng như là các quốc gia trong khu vực. Vì nó cho chúng ta nhìn thấy một bức tranh tổng thể về mức độ phát triển của một quốc gia theo nhiều chiều kích khác nhau.

Bởi vì, công nghệ rất rộng lớn, đổi mới sáng tạo cũng vậy, vì thế phải có một chỉ số cụ thể nào đó để giúp cho người ta nhìn vào tham chiếu, đánh giá xem những hành động nào là cần phải thực hiện.

Cụ thể, có thể lấy ví dụ trong trường hợp người ta định ban hành một chính sách thúc đẩy về đổi mới công nghệ thì người ta phải nhìn nhận cụ thể xem là nhân lực, kỹ năng ở trong quốc gia đã sẵn sàng hay chưa.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để tăng chỉ số Đổi mới toàn cầu ảnh 3

Giáo sư Dutta giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture.

Ví dụ, với Bộ Khoa học và Công nghệ, để định hướng về phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo thì cần phải nghĩ tới các cấu phần nào trong hệ thống đổi mới sáng tạo mà công nghệ cần phải thực hiện.

Nói đến cái Chỉ số về đổi mới toàn cầu là nói tới đổi mới diễn ra ở trong toàn bộ xã hội, chứ không chỉ xảy ra trong lĩnh vực về khoa học công nghệ. Ví dụ như những người nông dân cũng không có bằng bằng tiến sĩ gì nhưng mà họ vẫn là những người có thể đổi mới sáng tạo.

Tương tự, trong lĩnh vực điện ảnh hay là truyền thông thì cũng có rất nhiều người cũng không phải là các nhà khoa học nhưng mà họ cũng là những người rất sáng tạo. Thế thì, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu ấy cho phép các quốc gia và Chính phủ đánh giá các thành phần của nền kinh tế, của xã hội tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo như thế nào chứ không nhất định cần phải đánh giá về mặt học thuật thuần túy.

Có thể là những sáng kiến tiên phong về khoa học nhưng cũng có những người không thuộc lĩnh vực khoa học, họ cũng góp phần vào quá trình đổi mới sáng tạo. Tất cả sẽ đóng góp vào Chỉ số Đối mới toàn cầu.

Xin cảm ơn Giáo sư Dutta!

Giáo sư Dutta là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture kể từ năm 2023. Ông hiện đang là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Trước đó, ông là Giáo sư Quản lý và Hiệu trưởng sáng lập Trường Kinh doanh Cornell SC Johnson thuộc Đại học Cornell (New York, Hoa Kỳ). Ông đồng thời là nhà sáng lập và Chủ tịch Viện nghiên cứu phi lợi nhuận Portulans (trụ sở tại Washington D.C., Hoa Kỳ).

Với tư cách là đồng sáng lập và nhà sáng lập của hai chỉ số đổi mới/công nghệ uy tín (Chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng – Network Readiness Index – được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xuất bản trong 16 năm, và Chỉ số Đổi mới Toàn cầu – Global Innovation Index – được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới xuất bản trong 12 năm), Giáo sư Dutta đã làm việc với các tập đoàn, chính phủ quốc tế về việc xây dựng những chính sách đổi mới và công nghệ cải tiến toàn cầu.

back to top