Thu hút FDI chất lượng cao

Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh không ngừng được nâng lên, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện,... đặc biệt, trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quan trọng, có quy mô lớn, là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ảnh: ANH SƠN
Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ảnh: ANH SƠN

Cạnh tranh giữa các địa phương

Một trong những địa phương mới nổi trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đó là tỉnh Nghệ An. Từ những con số khiêm tốn về số dự án, lẫn nguồn vốn đầu tư, năm 2022, Nghệ An đã vươn lên vị trí top 10 trong cả nước về thu hút FDI. Tính từ năm 2019 đến nay, địa phương vùng Bắc Trung Bộ này đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI; trong đó có những dự án đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: JuTeng, Luxshare ICT, Goertek, Everwin.

Tính riêng tám tháng năm 2023, Nghệ An đã thu hút được 890 triệu USD. Cùng với hai dự án (tổng số vốn khoảng 153 triệu USD) đang sắp sửa được trao chứng nhận đầu tư, địa phương này sẽ vượt mốc một tỷ USD vốn FDI trong năm 2023.

Nếu Nghệ An là địa phương "mới nổi", thì Quảng Ninh "giữ phong độ" khá tốt, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gia tăng. Với hơn 750 triệu USD, "đất mỏ" hiện đứng thứ chín cả nước về thu hút FDI từ đầu năm đến nay. Ngoài các nhà đầu tư truyền thống như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… nay địa phương này đón nhiều nhà đầu tư mới đến từ các nước châu Âu.

Trong số các dự án FDI thực hiện trên địa bàn Quảng Ninh từ đầu năm đến nay, đáng chú ý là dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam, đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Nhà máy sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô-tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 154 triệu USD. Với dự án này, lần đầu Quảng Ninh đón dòng vốn của các nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên chia sẻ, thu hút FDI đang có sự cạnh tranh không kém phần gay gắt từ chính các địa phương. Bởi vậy, Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Dù có sự cạnh tranh lớn, nhưng quan điểm của tỉnh là ưu tiên các dự án công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động.

Làm sao để thu hút được "đại bàng"?

Trong tám tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng mức đầu tư gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 14,7% so cùng kỳ.

Dự báo về thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, việc Boeing mới khai trương văn phòng tại Hà Nội; Tập đoàn P&G cho biết sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc hồi tháng 6 vừa qua,… là những động thái cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới. Hàng loạt chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các quốc gia tới Việt Nam trong thời gian gần đây; việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là cơ sở để chúng ta tin rằng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có cả những dòng vốn chất lượng tốt đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ,… do đó, cần tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI.

Đánh giá đúng thực trạng, để tìm ra giải pháp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của đơn vị này đề cập đến hạn chế về cơ sở hạ tầng. Ông Tuấn cho biết, so các quốc gia, Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện. Các kết quả này nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. Điển hình về hạn chế cơ sở hạ tầng có thể kể đến như sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền bắc thời điểm tháng 5, tháng 6/2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vậy, làm sao để đẩy mạnh thu hút FDI, nhất là dòng vốn FDI chất lượng cao? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cần không ngừng cải thiện thủ tục hành chính, hoàn thiện khung pháp lý, có chính sách ưu đãi có chọn lọc phù hợp, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao; sớm có chính sách thích ứng phù hợp Thuế tối thiểu toàn cầu. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước, gia tăng sự kết nối giao thông giữa các vùng địa lý. Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy liên kết gữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam, bảo đảm cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 1986, Việt Nam thu hút được khoảng 0,04 triệu USD vốn FDI, xếp thứ 121 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến năm 2022, Việt Nam nhảy vọt gần 100 bậc, vươn lên vị trí thứ 23 khi thu hút được khoảng 17,9 tỷ USD vốn FDI. Nguồn: WB/UNCTAD