Việt Nam có 50 ngày giữ được sự an toàn trong cộng đồng

NDO -

Kể từ ngày 2-9 ghi nhận một ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hải Dương, đến nay, chúng ta ta có tròn 50 ngày không phát hiện có ca Covid-19 mới. Việt Nam một lần nữa là điểm sáng trên thế giới về triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.  

Việt Nam nỗ lực điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.
Việt Nam nỗ lực điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.

50 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Sau 99 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngày 24-7, Đà Nẵng trở thành tâm điểm của cả nước khi phát hiện một ca Covid-19 lưu hành trong cộng đồng, không tìm ra được nguồn lây F0. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến Covid-19 bùng phát với một sự dồn tổng lực lớn.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả theo chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị”, kết hợp với nguyên tắc “bốn tại chỗ” vốn lâu nay đã chứng minh được tính hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh và phòng chống thiên tai.

Trong bối cảnh cả nước đang khẩn trương triển khai chủ trương mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế” của Chính phủ, ngành y tế đã thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ.

Bộ Y tế thành lập Sở chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành với lực lượng hơn 1.000 cán bộ y tế. Trong đó, 300 thầy thuốc là những chuyên gia đầu ngành trong công tác phòng, chống dịch và điều trị được điều động hỗ trợ, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

50 ngày qua, Việt Nam đã giữ được sự an toàn trước Covid-19 -0
 Cán bộ y tế làm việc ngày đêm để kiểm soát tình dịch tại tâm điểm Đà Nẵng.

Cuộc chiến khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết, tăng tốc xét nghiệm trên diện rộng, “tung” lực lượng cán bộ y tế tinh nhuệ nhất ở tuyến đầu điều trị vào Đà Nẵng đã giúp địa phương này nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng.  Nhờ đó, chúng ta đã hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng.

Sau hơn một tháng bùng phát dịch với số ca nhiễm trong cộng đồng lên tới 389 ca bệnh, Đà Nẵng đã khống chế được dịch vào cuối tháng 8. Từ đó tới nay, điểm nóng này đã không còn bóng “giặc Covid-19” lây lan trong cộng đồng.

Ca bệnh lây lan trong cộng đồng cuối cùng được phát hiện trong đợt dịch thứ 2 vừa qua là ca bệnh tại Hải Dương (BN 1.045, 72 tuổi) vào ngày 2-9. Hải Dương vào cuộc truy vết khẩn cấp vì ca bệnh này đã có triệu chứng sốt từ trước đó 15 ngày và có lịch trình đi khám bệnh khá phức tạp. Nhưng thật may mắn, kể từ đó tới nay, Hải Dương không phát hiện có thêm ca Covid-19 mới lây nhiễm từ trường hợp này.

Đến nay, các địa phương lớn đã khống chế được dịch Covid-19 rất thành công. Hà Nội đã có 65 ngày, TP Hồ Chí Minh có 82 ngày, Đà Nẵng có 56 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 có sự lây lan trong cộng đồng.

Việt Nam đã bảo vệ được thành quả khống chế dịch lần 2 với 50 ngày không có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Một lần nữa, Việt Nam được thế giới khen ngợi về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong khi dịch đang bùng phát trở lại tại một số nước châu Âu. 

Nhiều thách thức trong mùa đông xuân nhưng kiên quyết không để dịch bùng phát trở lại

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thời tiết đông xuân cận kề đang là điều kiện thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 có cơ hội bùng phát trở lại với tốc độ lây lan nhanh. Do đó, một cách phòng chống hữu hiệu nhất, chính là sự tuân thủ ý thức của người dân trong việc triển khai “5K”, đeo khẩu trang, vệ sinh tay…

Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể quay trở lại. Hiện nay, ở các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người… 

Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực khi Thủ đô nhiều nước gặp tình trạng lây lan dịch ra cộng đồng những ngày qua.

Vì vậy, tinh thần quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh là không được chủ quan trong mọi trường hợp, mọi cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cao, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Không đề cao cảnh giác, không có biện pháp mạnh, cương quyết thì dễ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, nhất là trong thời điểm mùa đông cận kề.

50 ngày qua, Việt Nam đã giữ được sự an toàn trước Covid-19 -0
 Tăng cường xét nghiệm, thực hiện cách ly nghiêm ngặt với những người nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước những nguy cơ dịch bệnh xâm nhập khi nhiều chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu các địa phương cần phải nghiêm túc hơn nữa trong việc quản lý các trường hợp nhập cảnh, thực hiện nghiêm cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, không để người từ bên ngoài vào khu cách ly.

Đặc biệt là phải rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 trước khi làm thủ tục nhập cảnh đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Người nhập cảnh vào Việt Nam được xét nghiệm ba lần, thay vì hai lần như quy định trước đây để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp xã phải chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc bệnh Covid-19 trong cộng đồng, trong đó có phương án thần tốc thực hiện việc khoanh vùng, truy vết khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo việc thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19