150 nhân viên y tế tham gia ca ghép đa tạng
Ngày 16-9, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não để cứu sống cho sáu bệnh nhân khác nhau.
Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép hai phổi cho một bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; Ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B; ghép hai thận cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối.
Đồng thời, bệnh viện cũng đã ghép hai cẳng bàn tay cho một bệnh nhân bị cụt cẳng tay cả hai bên do tai nạn chất nổ.
Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp Trung tâm Điều phối Quốc gia tiến hành lấy và ghép tim cho một bệnh nhân bị viêm cơ tim thể dãn giai đoạn cuối tại BV Hữu nghị Việt Đức.
Sau 24 giờ chuẩn bị khẩn trương và trong suốt hơn 10 giờ tiến hành phẫu thuật, Ban Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 đã chỉ đạo sâu sát quyết liệt, huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên của bệnh viện cùng với sự tham gia phối hợp chặt chẽ của Bệnh viện Phổi TƯ để thực hiện thành công ca lấy, ghép đa mô tạng thứ 4 tại bệnh viện.
GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, đây thực sự là một trận đánh lớn, có sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện rất chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong bệnh viện.
Để thực hiện ca lấy ghép đa mô tạng này, 12 bàn mổ được phối hợp hoạt động đồng thời. Kết quả của các ca lấy, ghép đa mô tạng cho đến nay đều diễn biến rất thuận lợi.
Bệnh nhân được ghép phổi là một người đàn ông 54 tuổi, được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát từ hai năm nay. Đây là loại bệnh lý gây xơ hóa phế nang và mô kẽ của phổi dẫn đến cơ thể bị thiếu ô-xy nghiêm trọng. Ghép phổi là cơ hội duy nhất để dành lại sự sống cho người bệnh. Ghép phổi được đánh giá là một trong thách thức khó khăn trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới hiện nay.
Ca ghép gan từ người cho chết não lần này là ca ghép gan thứ 51 được thực hiện thành công tại Bệnh viện TƯQĐ 108. Hiện nay, ghép gan đã trở thành phẫu thuật thường quy trong bệnh viện mà đặc biệt là ghép gan lấy từ người cho sống. Cho đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 14 ca ghép gan cấp cứu lấy từ người cho sống trong điều trị suy gan cấp.
Lần đầu tiên tiến hành ghép đồng thời hai cẳng tay
Đặc biệt, trong ca lấy ghép đa mô tạng lần này, các bác sĩ của Bệnh viện TƯQĐ 108 đã ghi dấu ấn là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tiến hành ghép thành công đồng thời hai cẳng tay cho một bệnh nhân nam 18 tuổi.
Cách đây ba năm, khi chưa đầy 15 tuổi, bệnh nhân này bị tai nạn chất nổ khiến cả hai cẳng tay bị dập nát hoàn toàn. Cuộc sống của em kể từ đó gặp nhiều khó khăn, giấc mơ ngồi trên ghế nhà trường của cậu học sinh này cũng không còn.
GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, rất may mắn cho em, cùng ngày hôm đó, từ ca chết não cho đa mô tạng, nạn nhân đã tặng đôi cẳng bàn tay cho em. Em đã được phẫu thuật ghép cẳng bàn tay hai bên. Đến nay, tất cả các vết thương đều đã liền sẹo, chi ghép sống tốt.
Đây là thành công xuất sắc tiếp theo trong lĩnh vực ghép chi thể của Việt Nam nói chung và tập thể y, bác sĩ Bệnh viện TƯQĐ 108 nói riêng sau thành công của ca ghép bàn tay đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện TƯQĐ 108 vào tháng 1-2020.
"Sau ghép, các bệnh nhân được cách ly và chăm sóc theo chế độ đặc biệt 24/24 giờ. Sức khỏe của các bệnh nhân đều diễn biến ổn định, hồi phục tốt, ăn uống, vận động bình thường. Một bệnh nhân ghép gan và hai bệnh nhân ghép thận được xuất viện sau ba tuần ghép. Hơn một tháng sau ghép, bệnh nhân ghép phổi cũng được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc. Còn nam bệnh nhân với cẳng bàn tay ghép tưới máu tốt, vết thương đã liền sẹo. Bệnh nhân hiện đang tiếp tục được tập phục hồi chức năng – vật lý trị liệu", GS Bàng cho biết.
Sau ba năm thực hiện đề án khoa học công nghệ “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người”. Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thực hiện thành công 240 ca ghép tạng và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực ghép tạng, đặc biệt là kỹ thuật lấy, ghép đa tạng.