Trưởng Đại diện JICA Việt Nam:

Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án và quy định về cho vay lại vốn ODA

NDO - Để sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả, Chính phủ Việt Nam cần phải cải thiện các thủ tục phê duyệt phức tạp và chồng chéo, giảm tải số lượng các tài liệu cần trình nộp liên quan đến dự án cũng như thay đổi các quy định về cho vay lại vốn ODA.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trên đây là chia sẻ ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, với báo chí bên lề Họp báo giữa kỳ nhằm thông tin về những hoạt động chính của JICA Việt Nam trong nửa đầu năm tài chính 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/9/2023) ngày 18/10.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2023 và năm 2024?

Ông Sugano Yuichi: Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam dự kiến có thể đạt 4,7% cho cả năm 2023 và 5,8% cho năm 2024. Mức tăng trưởng này là chậm hơn so với tỷ lệ 8% của năm 2022.

Mặc dù nguyên nhân chính được cho là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu do xung đột tại Ukraine, chúng tôi kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế trong tương lai nhờ sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, sự tăng cường dòng vốn đầu tư FDI và sự phục hồi của ngành du lịch.

Ngoài ra, vào tháng 7 năm nay, JICA đã ký một thỏa thuận vay ODA trị giá hơn 60 tỷ yên (tương đương 10.672 tỷ đồng) với Chính phủ Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Chúng tôi hy vọng rằng chương trình hỗ trợ này sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án và quy định về cho vay lại vốn ODA ảnh 1

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam, bày tỏ kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai nhờ sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, sự tăng cường dòng vốn đầu tư FDI và sự phục hồi của ngành du lịch.

Phóng viên: Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều hơn và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn vay ODA?

Ông Sugano Yuichi: Mục đích của nguồn vốn ODA là hợp tác để góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, tuy nhiên để việc triển khai các dự án ODA được thuận lợi thì điều quan trọng là nước nhận viện trợ ODA/khoản vay ODA phải có những quy định rõ ràng, dễ hiểu và thủ tục nhanh chóng.

Sự chậm trễ trong quy trình, thủ tục phê duyệt nội bộ của Chính phủ Việt Nam có thể khiến tổng chi phí dự án tăng do lạm phát, biến động tỷ giá, giá vật tư, thiết bị tăng cao trong thời gian dự án bị kéo dài.

Do đó, JICA cùng với các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện đang đề nghị Chính phủ Việt Nam có các biện pháp cải thiện.

Đặc biệt, chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ cải thiện các thủ tục phê duyệt, giảm tải số lượng các tài liệu cần trình nộp liên quan đến dự án cũng như thay đổi các quy định về cho vay lại.

Chúng tôi tin rằng nếu những điều trên được cải thiện thì nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả giải ngân thực tế của các dự án ODA tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 và dự báo tình hình giải ngân của cả năm 2023? Ông nhận định thế nào về tỷ lệ giải ngân ODA của Việt Nam (28,3%) và có kiến nghị gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân?

Ông Sugano Yuichi: Rất tiếc chúng tôi không thể công khai tổng giá trị giải ngân nhưng chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy tiến độ giải ngân bằng cách phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan thực hiện dự án của Việt Nam để tổ chức các cuộc họp giám sát tiến độ thực hiện dự án.

Mặc dù tiến độ giải ngân trong nửa đầu năm nay hơi chậm một chút nhưng chúng tôi dự đoán mục tiêu của năm nay sẽ đạt được.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực để giải quyết dần tình trạng chậm thanh toán tại các dự án. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để thúc đẩy tiến độ giải ngân nhằm đạt được hiệu quả phát triển nhanh hơn nữa.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ chi tiết hơn về ODA thế hệ mới của Nhật Bản?

Ông Sugano Yuichi: Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với các quan chức Chính phủ Việt Nam về ODA thế hệ mới, nhằm cung cấp vốn ODA một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ Việt Nam.

Tháng 7 vừa qua, JICA và Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận vay ODA cho 3 dự án với với tổng trị giá lên đến hơn 60 tỷ yên (tương đương với 10.672 tỷ đồng) trong 3 lĩnh vực: cải tạo hạ tầng giao thông công cộng đô thị; tăng cường chuỗi cung ứng nông sản; phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hậu đại dịch Covid-19.

Khoản vay ODA với mục đích hỗ trợ tài chính cho các chính sách của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 có thể được coi là một dự án tiên phong của chương trình ODA thế hệ mới.

Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án và quy định về cho vay lại vốn ODA ảnh 2

Lễ ký kết thỏa thuận vay giữa JICA và Chính phủ Việt Nam ngày 4/7. (Ảnh: baodauthau.vn)

Phóng viên: Để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế (là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050), JICA sẽ có những hỗ trợ, hợp tác như thế nào trong thời gian tới đây, thưa ông?

Ông Sugano Yuichi: JICA vẫn đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế một cách trực tiếp.

Thời gian tới, hợp tác của JICA tại Việt Nam sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực trọng điểm: Xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao làm nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong y tế, chăm sóc sức khỏe vì một xã hội hòa nhập; và hỗ trợ các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu để trung hòa carbon.

Phóng viên: Theo ông, đến nay dự án nào của JICA tại Việt Nam có được thành quả tốt nhất?

Ông Sugano Yuichi: Cho đến nay, JICA đã và đang triển khai rất nhiều dự án tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, vì vậy khó có thể chọn một dự án cụ thể để gọi là dự án có thành quả tốt nhất.

Tuy nhiên, hợp tác mà đại đa số người dân Việt Nam đều biết đến là dự án xây dựng Nhà ga quốc tế T2 - Sân bay Quốc tế Nội Bài, dự án xây dựng Cầu Nhật Tân (Cầu hữu nghị Việt-Nhật) và dự án cải tạo đường nối Cầu Nhật Tân và Sân bay quốc tế Nội Bài.

Ba dự án vốn vay ODA này đã góp phần cải thiện tính kết nối giữa sân bay với trung tâm thành phố, và được đa số người dân công nhận về tính hiệu quả. Tôi cho rằng đây là một điển hình cho hợp tác thành công của Nhật Bản tại Việt Nam.

Phóng viên: Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải CO2, ông đánh giá như thế nào về khó khăn, thử thách của Việt Nam, và JICA có hỗ trợ gì với xu hướng kinh tế xanh?

Ông Sugano Yuichi: Để phát triển nền kinh tế xanh, các bộ, ngành liên quan cần hợp tác để nới lỏng các quy định và đưa ra các quyết sách mới. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ở Việt Nam, để thay đổi một cơ chế hay áp dụng một cơ chế phải mất rất nhiều thời gian.

JICA hiện đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, và JICA sẽ tiếp tục triển khai các hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai.

Phóng viên: Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những mục tiêu về nâng hạng, JICA đã có những dự án hợp tác như thế nào và đang triển khai các dự án này ra sao để giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này?

Ông Sugano Yuichi: Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” được triển khai từ năm 2019 đến tháng 3/2023. Đối tác của Dự án là các cơ quan giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực giám sát các giao dịch bất thường như thao túng, nội gián…, năng lực giám sát đối với hoạt động của các công ty chứng khoán, năng lực quản lý niêm yết…

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển tương đối mạnh mẽ, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế về tính minh bạch và hiệu quả, vì vậy, JICA hiện đang cân nhắc một số hỗ trợ mới.